Được tạo bởi Blogger.
Thứ Năm, 24 tháng 8, 2017

Tấm Lòng Trời Biển Của Cô Tôi


Nếu có ai hỏi tôi trên đời này, ngoài mẹ tôi ra, người phụ nữ nào được tôi yêu quí nhất, tôi sẽ không ngần ngại trả lời: cô giáo tôi. Đó là câu chuyện của hơn hai mươi năm trước, khi tôi mới lên mười và đang học lớp ba. Cô về quê tôi đúng lúc mẹ tôi vừa mất vì một chứng bệnh hiểm nghèo.

Vừa qua cuộc chiến tranh, quê tôi lại là vùng giải phóng cũ, một vùng quê nghèo xác xơ đến tội. Vừa chôn cất mẹ tôi xong, ba tôi kêu tôi lại nói: “Mẹ con mất rồi, nhà mình thì nghèo quá! Con lại còn hai đứa em. Thôi, con nghỉ học rồi phụ làm với ba để nuôi em. Nhà mình nghèo mà, thương ba, nghe lời ba đi!”. Ba tôi nói đến mấy tiếng cuối cùng thì quay mặt đi, giọng ba nghẹn lại. Tôi không trả lời ba lúc đó mà lặng lẽ lội tắt miếng ruộng bên hông nhà rồi chạy một hơi qua trường, ngồi khóc.

Trường tôi ở gần nhà, chỉ cách miếng ruộng nhỏ xã cấp cho ba tôi lúc mới giải phóng. Trường có ba phòng học bằng lá cất dựa hông đình, ngôi đình cũng không biết thờ ai, chỉ thấy mấy chữ Hán ngồ ngộ với mấy bộ lư đồng.

Trường học chỉ cất xong hồi đầu năm học này. Mấy nhà tương đối khá đóng góp nhiều, nhà nghèo góp ít để có nơi có chỗ cho con em học hành. Cô giáo tôi lúc đó mới ngoài hai mươi. Cô đã đứng lớp được hai tuần rồi. Hoàn cảnh gia đình tôi, cô đã biết. Tôi ngồi rấm rứt khóc mà không hay cô đã ở sau lưng. Cô đặt bàn tay mềm mại lên đầu tôi, âu yếm như một người mẹ:
- Sao em lại khóc? Nhớ mẹ hả?

Tôi nhìn cô mà không trả lời. Cô hỏi lại lần nữa:
- Có gì thì nói với cô, coi cô có giúp được không! Con trai mà khóc thì dở lắm!

Tôi cố nín, hồi lâu mới nói chuyện ba tôi bảo nghỉ học. Cô ngồi có vẻ đăm chiêu. Mãi một lúc, cô vô nhà đem ra cho tôi hai trái chuối bảo tôi ăn, còn chuyện học để cô tìm cách.

Chiều bữa đó, cô qua nhà bàn với ba tôi:
- Anh thử cố gắng cho em Trung đi học, mới lớp này mà nghỉ thì tội nó quá!

Ba tôi rót một ly trà rồi buồn bã nói:
- Đâu phải tôi không muốn con mình được ăn học đàng hoàng, nhưng cô thấy rồi đó! Hoàn cảnh như vầy, nó đi học thì mấy đứa em nó đói.

Tôi ngồi ngoài hè lắng tai nghe, coi cô có tìm được cách gì cho tôi đi học không. Hồi lâu, cô đề nghị:
- Thôi thì ban ngày nó đi làm phụ với anh. Buổi tối tôi sẽ dạy lại cho nó. Nó cũng được thi cử đàng hoàng. Hết năm học này rồi hẵng tính.

Tôi nghe cô nói mà mừng hơn lượm được vàng, như vậy tôi vẫn còn hi vọng.

Vậy là từ tối hôm sau, tôi qua trường cho cô dạy lại những bài học buổi sáng. Bên ngọn đèn dầu tỏa ánh sáng vàng vọt trong lớp học chỉ có bàn ghế bằng cây còng, cây so đũa đóng tạm, tôi đã cố tiếp thu những gì cô dạy. Tôi vừa học, thỉnh thoảng lại len lén nhìn cô. Sao trên đời này lại có một người phụ nữ đôn hậu đến vậy. Trong lòng tôi bấy giờ cô giống như một bà tiên. Hai đứa em tôi, đứa bảy, đứa ba tuổi đều là con gái. Những lúc tôi với ba đi làm đồng hay bắt cua, bắt cá thì tụi nó coi nhà. Những lúc rảnh rỗi, cô thường lấy quần áo chúng tôi may vá lại giùm. Cô còn đưa đứa em kế tôi vào lớp một, cô không muốn nó phải thất học.

Cuối năm học lớp ba, tôi được xếp hạng nhì trong lớp. Tôi vẫn dự các kỳ thi như các bạn và tôi đã không phụ lòng cô. Suốt năm học lớp bốn, cô vẫn chịu khó dạy tôi ban đêm và hoàn cảnh tôi cũng được các thầy cô khác cảm thông. Cuối năm lớp bốn, tôi được xếp hạng nhất. Lúc này, kinh tế gia đình đã đỡ hơn, ba tôi được cấp thêm mấy công đất diện nghèo và nhờ vậy, vào đầu năm học lớp năm tôi đi học lại bình thường.

Qua những năm cấp II và cấp III, tôi vẫn là học sinh giỏi ở trường huyện. Cô tôi đã chuyển công tác về thị xã vào năm tôi học lớp mười.

Ngày tôi tốt nghiệp phổ thông, tôi đã tìm tới nhà cô với gói quà nhỏ trên tay nhưng lại với nỗi tự hào và hàm ơn to tát trong lòng. Không có lời cảm ơn nào sánh được tấm lòng trời biển của cô.

Tôi thi vào sư phạm với ý nguyện nối nghiệp cô và cũng để dạy dỗ đám trẻ quê tôi. Tôi biết mình phải làm một điều gì đó để xứng dáng với tấm lòng yêu nghề mến trẻ của cô.

Bây giờ, tôi đã là hiệu trưởng trường cấp I quê tôi và câu chuyện về cô giáo của tôi vẫn được tôi đem kể lại cho bao lớp học trò, như một lời nhắn nhủ.
NGÔ NGUYÊN

0 comments: