Được tạo bởi Blogger.
Thứ Năm, 6 tháng 7, 2017

Thầy Tôi Ở Tắc Cá Cháy


Ngày ấy, tắc Cá Cháy nằm choi loi ở cuối xã An Thới Đông (huyện Cần Giờ, TP.HCM), ba bề sông nước mênh mông, chỉ có một phần là cánh đồng lúa một vụ. Mùa nắng mặt đất nứt ra từng mảng, cong lên như ngói nằm ngửa, chỏng chơ.

Lũ trẻ con chúng tôi lớn có, nhỏ có đều giống như nhau, đầu trần, chân đất, tóc nhuộm nắng vàng hoe, mình đen trui trũi như cá thòi lòi, trên người chỉ độc chiếc quần xà lỏn, lúc nào cũng bết bùn đất, lấm lem. Ngày ngày chúng tôi sục sạo các bờ kênh có cỏ năn, cỏ chát, săm soi từng gốc bần, gốc mắm tìm con cá con cua, con sò con ốc đem ra bến phà Dần Xây đổi gạo, đổi dầu về cho mẹ.

Ngày ấy, tắc Cá Cháy chẳng có trường lớp. Chú Tư Thái tận đẩu tận đâu về che cái chòi bên hàng dừa nước. Nghe nói trước đây chú đi bộ đội, học đến lớp 8, lớp 9 gì đó. Giờ chú về đây làm nghề chài lưới và câu cá trên các nhánh sông đổ ra Lòng Tàu, Soài Rạp. Sông rạch chằng chịt, cá tôm soi sói. Rồi chú cũng dựng được căn nhà nho nhỏ. Mùa gió chướng tràn về, chú không xuống rừng đánh cá mà dạy chúng tôi đánh vần, tập viết.

Nhà của thầy là trường học, chỉ có một lớp, đứa nhỏ ngồi trước, đứa lớn ngồi sau, chẳng mấy khi đủ mặt. Chúng tôi còn phải phụ cha mẹ chạy lo bữa sáng, bữa chiều. Chỉ có thằng Tửng, lớp trưởng, là xin phép thầy hẳn hoi, những đứa khác có việc là nghỉ ngang. Mà thầy cũng chẳng khác gì lũ học trò. Hôm nào nhìn con nước nẩy lên, nghe cá quẫy rần rật là thầy đẩy xuồng xuống rừng kiếm lấy cái ăn, cái mặc. Những hôm không có thầy, nhà cửa trống trơn, lũ chúng tôi ngơ ngác nhìn nhau. Không biết giờ này thầy ở đâu, tắc Bà Năm hay Vàm Sát, sông Ngã Bảy hay Đồng Tranh? Lủi thủi ôm cuốn tập nhàu nát trở về mà lòng dạ ngẩn ngơ!

Sau một hai con nước thầy lại quay về, đi tìm lũ chúng tôi. Nhà mỗi đứa một nơi, xa hun hút. Nhìn bóng thầy liêu xiêu băng đồng, lội rạch, mái tóc muối tiêu phất phơ trong gió thấy thương quá chừng! Thằng Tửng coi vậy mà khôn. Nó nói: “Thầy ơi, hôm con ra chợ thấy treo cờ mừng ngày lễ gì gì đó, cờ cũ người ta gỡ xuống, con xin một tấm đây nè. Hôm nào có thầy ở nhà, con lấy cọng dừa nước treo lên cho tụi nó biết đến học, được không thầy?”. Thầy Thái vỗ đùi cái đét, khen: “Giỏi!”.

Khi chúng tôi biết đọc biết viết cũng là lúc huyện đắp đất mở đường. Hơn hai năm trời dốc sức, con đường băng rừng vượt sông kéo về tận huyện. Có đường rồi có trường, có điện. Xã, huyện cho người về xây ngôi trường tường gạch, mái tôn, cử thầy cô về dạy. Lũ chúng tôi được học hành đàng hoàng.

Thầy Thái lại xuống rừng. Lúc này phương tiện đánh bắt nhiều quá, nào là đăng rạch, đăng mé, nào là đáy mùng, đáy mông, cào tay, cào điện... Cá tôm không còn được bao nhiêu. Làm nghề chài lưới, giăng câu thầy Thái phải đi xa hơn, tít tận ngoài cửa biển Cần Giờ. Lâu lâu mới thấy thầy về căn nhà cũ.

Bẵng đi một thời gian không thấy thầy về nữa. Không ai biết thầy đi đâu về đâu...

Thằng Tửng lớn lên đi bộ đội, rồi về xã làm cán bộ Đoàn. Lâu lâu có dịp chúng tôi lại tụ tập tại căn nhà ngày xưa và có một lần, vào cuối năm, gió chướng dồn dập ùa về, căn nhà rung lên bần bật, tả tơi. Từng đứa từng đứa lẳng lặng đi ra bờ sông, đăm đăm nhìn về phía biển. Sóng bạc đầu lớp sau đè lớp trước, năm ba cánh én thấp thoáng cuối rừng mà bóng dáng thầy vẫn chẳng thấy đâu. Bỗng chúng tôi nhìn nhau, mắt đứa nào cũng đỏ hoe...

TRƯƠNG HOÀNG

0 comments: