Được tạo bởi Blogger.
Chủ Nhật, 10 tháng 8, 2014
Những "Hoa Hồng Nhỏ" Mồ Côi
Khi hỏi về cha mẹ, các em chỉ gãi đầu, cúi mặt vì khi sinh ra các em đã là trẻ mồ côi. Cũng không ít em vẫn còn cha mẹ mà chẳng biết bao giờ mới được gặp lại.
Hàng trăm mảnh đời như vậy đang được nuôi dưỡng tại các mái ấm, trường, trung tâm trẻ mồ côi SG. Và nhiều em đã vươn lên để đạt danh hiệu học sinh giỏi, xuất sắc.
100 em điển hình “Hoa hồng nhỏ” đã được trao tặng học bổng Nguyễn Hữu Thọ của Mặt trận Tổ quốc TP với trị giá 500.000 đồng/suất nhân Ngày quốc tế thiếu nhi.
Nhớ mẹ cha, biết tìm phương nào?
Nguyễn Trung Hiếu (12 tuổi) từ nhỏ đã sống trên hè phố với người cha đạp xích lô. Những chiến dịch “dọn dẹp” hè phố đẩy cậu bé lưu lạc đến Trung tâm Nuôi người già ở Bình Dương, rồi về Trung tâm Bảo trợ trẻ em Gò Vấp được hơn sáu năm nay. Hiếu thổn thức: “Nhiều đêm ngủ nhớ ba quá, con khóc ướt gối mà chẳng biết tìm ba nơi nào!”.
Còn Phạm Văn Châu (10 tuổi) ở trung tâm được hơn một năm, lúc nào cũng mang nỗi ẩn ức: “Mẹ nói ở đây ít bữa mẹ đến thăm. Vậy mà bữa nay là năm 2004 rồi mà mẹ vẫn chưa đến!”.
Vỹ “ông táo”, Vỹ “cô đơn” là những biệt danh bạn bè đặt cho cậu bé Nguyễn Thành Vỹ, 13 tuổi, ở Trường nuôi dạy trẻ Long Hoa (quận 7). Gọi là “ông táo” vì nước da Vỹ đen nhẻm, còn “cô đơn” là do suốt ngần ấy năm ở trường chẳng thấy một bóng dáng người thân nào đến thăm Vỹ.
Năm Vỹ 7 tuổi, dì dắt em bỏ ở cổng trường rồi đi mất. Đến giờ ăn, Vỹ vào nhà bếp tập thể xin cơm, nhà bếp cứ ngỡ em là trẻ nghèo hàng xóm nên chẳng ngại ngần sớt cho em một phần. Tối Vỹ lẻn vào nhà tắm ngủ qua đêm. Co ro trong một đêm mưa rất lớn, không cầm được sự sợ hãi, cậu bé đã bật tiếng khóc. Nghe tiếng thút thít, đám trẻ đồn rân: “Trong nhà tắm có ma!”. Vậy là sau một tuần lễ bơ vơ đơn độc Vỹ mới được nhà trường phát hiện.
Ở Trường Long Hoa có hơn 100 trẻ thì hầu như em nào cũng có một gia cảnh buồn. Lòng chúng tôi như se thắt khi nhìn vào giấy khai sinh của Nguyễn Chí Dũng - 11 tuổi, chỉ vỏn vẹn con số năm sinh 1993, tất cả những ô còn lại đều bỏ trống. Dù đã rất nhiều lần nhà trường thông tin tìm thân nhân trên truyền hình nhưng sự hồi âm vẫn bặt vô âm tín.
Trong hồ sơ của Dũng tóm tắt vài dòng: mẹ đưa em đến thuê nhà ở phường Tân Hưng, quận 7, rồi chẳng bao lâu bà mẹ trẻ đã rũ áo ra đi biệt tăm, bỏ lại đứa con mới lên bốn. Người chủ nhà cưu mang Dũng được ba năm cũng chịu hết xiết bèn cầu cứu đến chính quyền địa phương.
Thầy Úy cho biết: “Cậu bé lúc nào cũng u buồn vì nhớ mẹ, chẳng chịu ăn dẫn đến bị suy dinh dưỡng nặng. Mùa hè này, Dũng được xếp vào nhóm chăm sóc theo chế độ dinh dưỡng đặc biệt”. Người đời thường bảo “lá rụng về cội”, nhưng với rất nhiều “hoa hồng nhỏ” mồ côi thì mai này chẳng biết cội ở đâu để lá rụng về.
“Học giỏi để ngày mai hết khổ”
“Kỷ niệm thời thơ ấu” là bài tập làm văn trong năm học này của Nguyễn Thị Thanh ở mái ấm Bình Minh, quận 4 được cô giáo giữ làm bài đọc mẫu cho các lớp khác. Trong đó, Thanh đã mô tả thước phim về cuộc sống của mình: từ nhỏ em sống lang thang ở chợ Xóm Chiếu, ai cho gì ăn nấy, tối vào đồn công an ngủ. Năm 1997, mái ấm Bình Minh được thành lập thì Thanh cũng là một trong những thành viên đầu tiên.
Học sinh giỏi là thành tích Thanh giữ vững trong suốt sáu năm liền. Thanh nói: “Trong lớp em là “già” nhất mà học dở hơn các bạn là quê lắm”. Cô Nguyệt, giáo viên môn văn của Thanh, tâm tình: “Thanh rất có khiếu môn văn, tôi luôn ấn tượng ở em một giọng văn rất chân thật và sống động”.
Thanh giỏi môn văn thì Thùy Trang lại rất cừ môn toán. Cùng là thành viên đầu tiên của mái ấm, Thanh và Trang luôn là những đàn chị kèm cặp đám em nhỏ học. Trong khi bạn bè đồng trang lứa đến với các lớp phụ đạo, học thêm, ngoài giờ học hai bạn cùng với các thành viên mái ấm phải lao động để có kinh phí mua dụng cụ học tập, sách giáo khoa...
Lột tỏi, xếp hộp, ráp chữ, đơm cườm... cũng phải cả chục nghề các bạn đã thạo qua. “Nếu không có mái ấm cưu mang chắc giờ này chị em con đi ăn xin ngoài đường” - Trang nói khẽ. Do vậy “học thật giỏi để ngày mai lớn lên hết khổ” là phương châm của Trang và các bạn trong mái ấm.
Không chỉ là thành tích học tập, đó còn là thành tích của những điển hình tài năng và tự lập. Như Đoàn Quốc Hùng (15 tuổi), ở Trường Long Hoa, nổi trội với môn võ thuật. Hai chiếc huy chương vàng judo toàn quốc Hùng đã giành được như một gia tài quí giá không chỉ của riêng bạn mà còn cho cả trường.
Hay Nguyễn Văn Thành ở Trung tâm Nuôi dạy và hướng nghiệp trẻ mồ côi - khuyết tật Kỳ Quang 2 sống trong bóng tối từ năm 2 tuổi nhưng em siêu đẳng trong các món xỏ kim, đơm nút, vá áo, ủi áo quần... Thành tiết lộ gia tài có ba chiếc tuôcnơvit: một chiếc đầu dẹp, một chiếc pake và một chiếc đa năng nhỏ xíu.
Những món đồ chơi của đám trẻ mồ côi sáng mắt bị hư, Thành gom về dùng tuôcnơvit mở ra để khám phá những phụ tùng và nguyên lý vận hành bên trong. Có lần táy máy khám phá ổ cắm điện, Thành bị điện giật hết hồn.
Lần đầu tiên có được số tiền lớn từ học bổng Nguyễn Hữu Thọ, Thành sẽ thực hiện ước mơ ấp ủ từ lâu: mua một máy cassette để nghe radio biết thông tin và học Anh văn.
Đăng ký:
Đăng Nhận xét (Atom)
1 comments:
Hú hồn cho mấy đứa trẻ này may mắn không vô tay sư hổ mang chùa Bồ Đề!!
Đăng nhận xét