Được tạo bởi Blogger.
Thứ Hai, 12 tháng 5, 2014

Vĩnh Biệt "Đại Ca"


Chiều nay tôi tình cờ gặp lại một người quen, đúng hơn là một trại viên ở trại cải tạo nơi tôi đã công tác cách đây hơn mười năm.

Thật tình cái trại ấy, từ lâu tôi đã hầu như quên mất, trừ một con người...

Lúc ấy, là một bác sĩ nữ mới ra trường, 30 tuổi, chưa lấy chồng, mặc sự can ngăn của gia đình và bè bạn, tôi vẫn hăng hái tìm về trạm xá của một trại cải tạo đang giam giữ vài trăm con người.

Những ngày đầu nhận công tác, vào mùa mưa, mưa cứ dai dẳng triền miên. Đêm đến lại càng vắng lặng, bốn bề bao phủ một màu đen.

Quanh đi quẩn lại tôi chỉ tiếp xúc với một số quản giáo, một vài người dân đến xin thuốc khi cấp bách, còn lại là những học viên của trại với đủ thành phần móc túi, cướp giật, nghiện hút...

Thấy tôi là bác sĩ nữ, họ luôn quấy rối tôi, người thì giả đau ruột thừa để lên trạm xá tìm cách trốn viện; người thì giả nhức đầu, tiêu chảy xin thuốc có chất gây nghiện để dã cơn nghiện; rồi lại có người hét toáng lên là đã nuốt vào bụng một cái muỗng (?!) để được chuyển viện... Mấy lần hoảng quá, tôi định xách giỏ quay lại thành phố, nhưng rồi lại sợ mất mặt với gia đình và bè bạn nên cứ cố mà cầm cự.

Giữa lúc tôi đang “tiến thoái lưỡng nan” thì anh ấy xuất hiện. Anh là Trần Dũng, học viên của trại, bị giam giữ vì nhiều tội kết hợp: nghiện ma túy, cướp giật... Chỉ nghe về quá khứ của anh thôi, tôi đã thấy rùng mình. Anh từng tốt nghiệp tú tài 2 thời chế độ cũ, bị bắt vào lính rồi sa vào nghiện hút và từ đó cuộc đời anh cứ trượt dài vào con đường tội lỗi. Anh từng có vợ và một con trai nhỏ, nhưng vợ anh đã bỏ đi cùng với đứa con.

Lúc đầu tôi cũng e dè trước vẻ “đại bàng” của anh, nhưng dần dần tôi hết lo ngại khi thấy anh nhiệt tình giúp tôi trấn áp mấy tay anh chị “đầu gấu”. Nhờ thế, tôi cũng được yên ổn trong công tác. Tôi đã huấn luyện cấp tốc cho anh làm chức năng của một y tá, trợ giúp tôi một số việc ở trạm xá và anh đã rất hài lòng và hãnh diện với công việc này.

Qua anh, tôi cũng thu thập nhiều thông tin về tình hình sức khỏe của trại viên, hiểu thêm về thế giới của những người nghiện hút. Trừ những khi bị cơn nghiện hành hạ, họ đều biết xấu hổ, biết day dứt về tội lỗi với cha mẹ, vợ con, anh em...

Qua thông tin của anh trại viên, tôi mới biết phần lớn những trường hợp cai nghiện tại trại đều thất bại. Bề ngoài có vẻ như họ đã cai nghiện tốt, nhưng thật sự tất cả đều nghiện trở lại. Tôi thất vọng và chán nản vì sự nhiệt tình của mình sao vô nghĩa quá.

Thấy tôi buồn, anh hứa với tôi là sẽ cai nghiện thành công. Anh bảo rằng chưa bao giờ anh khát khao làm một con người bình thường, sống một cuộc sống lương thiện đến thế. Tôi tin anh và tin ở sự chân thành của tôi sẽ giúp được anh.

Chưa thấy anh thực hiện lời hứa thì cơn sốt rét đã quật ngã tôi. Gia đình đưa tôi về thành phố điều trị, an dưỡng rồi chuyển công tác cho tôi luôn. Tôi đã xa đất rừng từ đó, xa “đại ca” Trần Dũng từ đó, chưa một lần quay lại.

Hơn mười năm qua đi, chiều nay biết tin anh đã ra đi với căn bệnh hiểm nghèo của thế kỷ, ra đi với những khát khao về một cuộc sống bình thường lương thiện mà chẳng bao giờ thực hiện được, tôi nghe chạnh lòng. Tôi không biết nếu ngày ấy tôi không về lại thành phố thì có giúp được gì cho anh không.

Dẫu sao tôi cũng áy náy vì đã để anh ở lại đó một mình, đơn độc, bất lực giữa những cơn nghiện hành hạ thể xác và một ước mơ da diết. Ước mơ quá đỗi bình thường, quá đỗi lương thiện mà sao xa vời quá, khó khăn quá đối với những con người lầm đường lạc lối.
Minh Ngộ

0 comments: