Được tạo bởi Blogger.
Thứ Tư, 7 tháng 5, 2014

Vết Xăm


Trong một xóm nghèo, mười một tuổi tôi thi đậu đệ thất (lớp 6) quả là một niềm vinh dự cho gia đình.

Lần hồi tôi cũng lân la làm quen với mấy đứa trong xóm. Hầu hết đều là những đứa trẻ lớn tuổi hơn tôi và phải đi kiếm tiền bằng cách lượm ve chai, bươi rác, đánh giày, phu hồ...

Một hôm, tên lớn nhất tụ tập chúng tôi lại bày ra cái trò xăm mình để chứng tỏ lãnh địa của một xóm. Đứa nào lớn và bị bầm dập nhiều thì xăm chữ “hận đời đen bạc”, đứa nào biết “thương cái con nhỏ trong xóm mà bị nó háy nguýt” thì khắc lên da câu “hận kẻ bạc tình” hoặc hình một mũi tên xuyên qua trái tim nhỏ máu! Có đứa muốn tỏ ra oai hùng nên xăm hình con cọp trên vai... Riêng tôi nhỏ nhất không hận đời, hận tình gì nên chỉ xăm đơn giản cái tên cúng cơm và năm sinh.

Không biết mấy đứa kia như thế nào, còn tôi hôm sau lên trường, cái chất “anh hùng gan dạ” của kẻ xăm tay đâu chẳng thấy, chỉ thấy tóe lửa vì bị thầy giáng cho hai cái tát vì thầy phát hiện vết xăm trên cánh tay trái tôi còn đỏ ửng.

Sau buổi học về nhà tôi buồn hắt buồn hiu, thui thủi một mình. Từ hôm ấy cứ mỗi lần đến trường, nghĩ đến vết xăm, đến hai cái tát của thầy, tôi đâm sợ hãi, trốn lánh. Nỗi khổ dằn vặt tôi hết ngày này sang ngày khác. Đến trường, tuy tôi đã mặc áo dài tay để cố che vết xăm nhưng bạn bè vẫn nhìn tôi bằng con mắt ái ngại…

Thế là từ đó vết xăm đeo đuổi tôi mãi... Thời gian trung học, tôi cố sửa chữa lỗi lầm của mình bằng cách học và học thật giỏi để hòa nhập cùng bạn bè trong lớp.Thời gian cũng làm tôi quên dần hai cái tát của thầy nhưng dấu xăm thì vẫn còn trên cánh tay như nhắc nhở tôi về một lần dại dột của tuổi thơ.

Tưởng rằng bước vào cánh cửa đại học tôi sẽ gột rửa được mặc cảm từ vết xăm, thế nhưng chuyện đời không suôn sẻ như tôi tưởng. Một lần diện bộ đồ mới với chiếc áo ngắn tay, tôi chở bạn gái đi chơi và được nàng mời về nhà dùng bữa tối với gia đình.

Trên ghế salon, ngồi đối diện với cha nàng, tôi đã cố thu nhỏ mình lại để tránh tầm quan sát của ông. Ấy vậy nhưng khi hai tay tôi nâng ly mời ông uống nước thì bất chợt mẹ nàng từ phía sau trờ tới nhìn chằm chằm vào vết xăm trên cánh tay trái của tôi…

Bắt đầu từ lúc ấy, bữa ăn bao trùm một không khí nặng nề. Những câu hỏi của bố mẹ nàng chỉ xoay quanh về nhân thân lai lịch của tôi. Có lẽ chính vết xăm đã làm giảm thiện cảm của bố mẹ nàng dành cho tôi, vì cũng như nhiều người khác, cha mẹ nàng nghĩ rằng vết xăm đã nói lên tính chất côn đồ của người mang nó. Kể từ đó số lần chúng tôi gặp nhau thưa dần, thưa dần và tôi đau đớn hiểu rằng chính vết xăm đã đánh dấu chấm hết lên mối tình đầu của tôi.

Đến lúc bước vào đời, đi làm, vết xăm cũng chẳng buông tha tôi. Hằng năm cơ quan hay tổ chức những chuyến đi nghỉ mát ở các vùng biển như Vũng Tàu, Phan Thiết, Phú Quốc nhưng tôi đều không đi mặc dù tôi vô cùng thích biển. Những khi bạn bè, đồng nghiệp vô tình thấy vết xăm và buông lời bông đùa, chẳng hạn họ phong cho tôi chức “đại bác” (ý nói còn cao hơn mấy tay anh chị “đại bàng” trong trại giam) cũng đủ làm tôi xốn xang.

Quả thật vết xăm là vết buồn năm tháng hằn lên suốt cuộc đời tôi.

Sau này về xóm cũ thăm lại bạn bè, tôi rút ra một điều trái khoáy: tên nào xăm những hình thù càng quái dị, càng dữ dội thì tinh thần lại càng yếu đuối đến lạ lùng.

Đứa xăm trên vai con cọp thì ở nhà giữ con cho vợ đi bán cháo sườn, đứa xăm hình con đại bàng thì cuối đời lại vào chùa làm công quả!...

Trong đám bạn bè ngày ấy giờ đây chỉ còn lại mình tôi làm ông thầy giáo. Ông thầy giáo hơn 30 năm không vơi nỗi lo sợ học trò của mình nhìn thấy vết xăm nên phải luôn mặc chiếc áo tay dài đến lớp, đến trường…
Tuệ Hải

0 comments: