Được tạo bởi Blogger.
Thứ Tư, 7 tháng 6, 2017

Căn Nhà Tồi Tàn Của Chị


Chị học trên tôi hai khóa ở trường đại học. Vừa chuyển vào Nam theo chồng, tôi được tin chị đang làm việc ở Tây Ninh, không xa chỗ chồng tôi bao nhiêu, chỉ một chặng xe. Nhưng nấn ná mãi, mấy năm sau đó tôi mới thu xếp lên thăm chị được.

Tôi tới chị vào một ngày tết năm 1990. Lý do tôi bứt ra mà đi cũng là không suôn sẻ trong cuộc sống vợ chồng. Chồng tôi đang công tác trong ngành hải quan. Tuy nhiên, khác với cuộc sống sung túc của các gia đình trong khu tập thể cơ quan ngày đó, nhà tôi lại thiếu thốn đủ bề. Tôi hỏi chồng: “Tại sao cũng như anh mà họ dư dả thế?”. Anh trả lời qua loa: “Họ làm thêm những việc khác rnà anh không làm được...”. Nhiều khi tôi giận chồng mình đã bất lực, đã không thức thời để thay đổi hoàn cảnh như nhiều người khác. Tôi cảm thấy anh vô trách nhiệm với mẹ con tôi.

Tới thăm chị, chiếc xe ôm dừng lại trước địa chỉ cần tìm mà tôi cứ ngỡ ngàng. Một căn nhà cấp 4 nhỏ, cũ kỹ, tồi tàn. Chị đón tôi với vẻ mừng rỡ và kéo tôi vào nhà. Trên nền nhà láng ximăng có những đốm nắng nhỏ từ những lỗ thủng trên mái dọi xuống. Với sự quan tâm xen lẫn tò mò, tôi đi từ nhà trên xuống tận bếp: trong nhà toàn những đồ đạc cũ kỹ, không có cái gì đáng giá. Bộ bàn ghế gỗ cũ, cái tivi nghĩa địa, cái chạn bếp ám khói..., thậm chí cửa nhà vệ sinh làm bằng một tấm tôn lợp nhà. Nhà bếp liền kề với chuồng heo nên mùi hôi cứ phảng phất... Tôi thắc mắc: “Chị là trưởng phòng kế hoạch vật tư của huyện mà để cuộc sống nhếch nhác thế này sao?”. Chị cười: “Thì đồng lương của chị cũng như mọi người, có hơn gì đâu. Xung quanh đều đang vậy cả mà em. Mà chị hoàn cảnh vậy, được thế này là may rồi”.

Rồi chị kể tôi nghe: Vào đầu năm 1976, khi tiếp nhận chức vụ hiện nay, chị đã tiếp quản các kho hàng. Trong các kho có đủ những thứ hàng chủ lực như ximăng, sắt thép, tôn, xăng dầu... và có cả đồ gia dụng như máy bơm, máy may, vải vóc... Trong quá trình duyệt cấp phát hàng hóa, chị nhớ đã có không biết bao nhiêu thư tay, quà biếu bằng tiền, thậm chí bằng vàng để được “ưu tiên” nhưng đều bị chị từ chối. Còn việc nhà chị được đề nghị sửa kèm trong khi xây dựng một công trình nào đó của huyện không chỉ một lần. Chị nói: “Để có đủ lòng tin, đủ uy tín làm cái việc rất dễ bị nghi ngờ là “mỡ để miệng mèo” này phải giữ gìn lắm em à. Chồng chị bị bệnh tim mất hồi mùa mưa năm ngoái, trong nhà chỉ còn một góc khỏi dột để đặt áo quan. Nhân dân trong huyện đi viếng thương anh một và cảm phục chị mười. Bởi vậy, chồng chết, một nách hai con, chị cũng đã được các đồng chí và bà con hết lòng thương yêu giúp đỡ mới trụ vững được”.

Sau mấy ngày thăm chị, tôi trở về và thấy thông cảm với chồng hơn. Tôi hiểu rằng không phải ai ở vào vị trí thuận lợi cũng sẽ vun vén cho mình và gia đình mình. Vẫn còn nhiều người trung thành với lý tưởng sống: làm cán bộ phải trong sạch, phải khổ trước, sướng sau nhân dân. Sau này, cả chồng tôi và tôi đều trải qua những vị trí “có màu” nhưng chúng tôi đều giữ được mình. Hình ảnh ngôi nhà tồi tàn của chị luôn là lời nhắc nhở nghiêm khắc với tôi trước những cám dỗ sa ngã. Một số người ở cơ quan của chồng tôi sau đó bị truy tố, vào tù. Tôi yên tâm với cuộc sống giản dị của gia đình mình và tự hào là đã vượt qua những thử thách...

Bây giờ chị vẫn làm công việc cũ ở cơ quan cũ. Hai con chị đều đang học đại học. Bởi vậy, chị vẫn chưa thể dẹp chuồng nuôi heo ở cạnh nhà. Cái nhà vẫn tồi tàn như cũ, có hơn xưa một chút vì được dặm vá để mùa mưa khỏi dột. Mỗi lần tôi nhắc trong điện thoại, chị cười hiền: “Thôi để chúng học ra trường, làm được tiền rồi đập đi xây lại chứ giờ hư quá không sửa được nữa”. Vậy là cái nhà tồi tàn ấy tồn tại rất dài trong cuộc đời chị, cũng như tồn tại lâu dài trong ký ức tôi mà không lời dạy dỗ hoa mỹ, sách vở nào sánh được.

HỘI AN

0 comments: