Được tạo bởi Blogger.
Thứ Năm, 18 tháng 9, 2014
Xin Phán Xử Giùm Tôi
Mười tám tuổi tôi có lệnh gọi nhập ngũ, khi đó tôi đang học tháng cuối cùng của năm học lớp 12.
Bố tôi nói sẽ làm đơn xin hoãn nghĩa vụ nhưng một người bà con đã khuyên không nên, vì nếu có được hoãn thì dù học khá hay giỏi tôi vẫn không thể thi đỗ đại học, đơn giản chỉ vì tôi là con địa chủ, cho dù bố tôi có là địa chủ kháng chiến!... Vì vậy đi bộ đội có thể sẽ là cơ hội tốt để tôi phấn đấu vượt lên số phận của mình.
Tôi nhập ngũ với một niềm tin trong sáng của TS. Năm năm thử thách trôi qua, tôi đã phấn đấu hết mình để trở thành một người lính thực thụ, giỏi nghiệp vụ và đạt được nhiều thành tích: được tặng nhiều bằng khen, được bầu là chiến sĩ giỏi, chiến sĩ thi đua…
Vào đầu thập niên 1960, những thanh niên có trình độ văn hóa hết cấp III như tôi chưa nhiều, cả trung đoàn mới có khoảng dăm người. Lần lượt số anh em này được cấp trên chọn đi đào tạo cán bộ nguồn, người đi học sĩ quan, người đi học đại học. Cuối cùng còn lại duy nhất một người, đó là tôi…
Có lần trong chiến trường, tôi đang công tác ở xa thì được đơn vị gọi về làm thủ tục đi học đại học. Sung sướng quá, tôi vội vã trở về. Nhưng đến nơi, tôi đau điếng người khi được biết mình bị loại vì lý lịch gia đình không rõ ràng!
Rồi một hôm anh đến. Anh là trợ lý thanh niên của tiểu đoàn chúng tôi. Anh xuống công tác ở đại đội và tìm gặp tôi. Tối hôm ấy trong căn hầm chữ A giữa rừng Trường Sơn chỉ có hai anh em, anh nói chuyện thân tình, cởi mở với tôi và tôi đã tâm sự cùng anh về những uẩn khúc trong lòng mà bấy lâu nay tôi vẫn âm thầm nén chịu.
Chúng tôi vẫn trằn trọc không ngủ được. Đột ngột anh ngồi dậy mở xắc cốt, một tay bấm đèn pin, một tay lục tìm, lát sau anh nằm sấp cạnh tôi, đưa tôi một tập giấy tờ và nói cộc lốc: ”Của mày đấy, đọc đi, sáng mai trả tao” rồi anh chui ra khỏi hầm.
Tôi không hiểu chuyện gì, vội bấm đèn pin hồi hộp mở tập giấy anh vừa đưa. Thì ra đó là tập hồ sơ quân nhân của tôi, đặc biệt có một quyển lý lịch nghĩa vụ quân sự được lập từ ngày tôi nhập ngũ, trong đó có nhận xét của ông công an hộ tịch khu phố, đại ý là ở quê, bố tôi là địa chủ, trong kháng chiến chống Pháp không rõ có làm gì cho đế quốc hay không?... Ở thành phố, bố tôi có cửa hàng thuốc bắc, không rõ có phải là tư sản hay không?...
Đọc đến đây tôi chợt hiểu ra tất cả. Tôi uất giận, rồi toát mồ hôi lạnh vì ghê sợ, không hiểu tại sao lại có người nhẫn tâm ghi những điều ác như thế, những điều có thể làm hại cả cuộc đời, sự nghiệp của một con người!
May mắn cho tôi là thủ tục hành chính thời ấy còn đơn giản. Các trang trong quyển lý lịch không đánh số, không đóng dấu giáp lai. Thế là không do dự, tôi xé bỏ ngay những lời độc địa ấy và tự mình ghi vào trang kế tiếp những điều hoàn toàn là sự thật về lai lịch của gia đình mình: ở quê, bố tôi là địa chủ kháng chiến, được tặng thưởng Huân chương kháng chiến chống Pháp hạng hai. Ở thành phố, bố tôi là thầy thuốc đông y và là chủ nhiệm một hợp tác xã đông y dược danh tiếng của thành phố...
Từ sau đó tôi như người được dỡ bỏ mọi rào cản: tôi được kết nạp Đảng, được đề bạt, được cử đi học sĩ quan, rồi lại đi học đại học... Nghĩa là tôi được mọi người nhìn nhận như chính con người thật của tôi. Cho đến khi về hưu, tôi cũng được là một người có chút ít thành đạt cùng với một gia đình đông vui, hòa thuận và hạnh phúc.
Đó là kết quả của cả một quá trình rèn luyện, phấn đấu bền bỉ và gian khổ để vượt lên số phận của tôi. Nhưng quá trình phấn đấu ấy sẽ bằng không nếu không có sự đồng cảm và tạo điều kiện chí tình của anh, người trợ lý thanh niên tiểu đoàn mà tôi vô tâm chẳng biết tên, ân nhân lớn của cuộc đời mà tôi không bao giờ quên.
Tôi vẫn dạy các con, các cháu đạo lý không được làm điều gì gian dối. Cả đời tôi, tôi đã cố gắng thực hiện được như vậy. Nhưng với riêng mình, 40 năm qua tôi vẫn băn khoăn tự hỏi về việc làm của mình khi ấy có phải là gian dối hay không? Nếu tôi không gian dối, cứ giữ nguyên như bản lý lịch ấy thì cuộc đời, sự nghiệp của tôi kết cục sẽ ra sao?
Xin các bạn hãy phán xử giùm tôi.
Đăng ký:
Đăng Nhận xét (Atom)
0 comments:
Đăng nhận xét