Được tạo bởi Blogger.
Thứ Bảy, 2 tháng 8, 2014

Xin Đền Ơn Đáp Nghĩa Đời Đời


Bốn giờ sáng, sương đêm còn vương trong không khí âm ẩm, mẹ chồng tôi đã trở dậy, se sẽ vén mùng vì sợ làm lỡ giấc ngủ của các cháu...

Mẹ lúi húi nhóm bếp lò. Mẹ hơ hai bàn tay cho nóng rồi đặt ấm nước lên bếp.

Xong, mẹ ra nhà sau mở cửa chờ người bỏ mối xương. Những ống xương to cứng ngắc mẹ mang ra ngoài sân, dùng dao phay với cả sức lực để chặt ra nấu nồi nước lèo. Trời lạnh lắm nhưng mẹ bảo chặt trong nhà vừa dơ vừa ồn, “để các cháu ngủ cho yên”.

Mãi hơn năm giờ sáng, nồi nước lèo xong, mẹ sắp quang gánh đâu vào đó rồi mới đánh thức tôi dậy gánh ra chợ bán. Ngày nào cũng vậy, mẹ đưa tôi ra tới ngõ, dặn dò đôi ba câu rồi mới quay vào. Mẹ đến thẳng bàn thờ thắp nhang cho ông bà, vái ông Địa phò hộ tôi bán mau hết hàng, mẹ sẽ tạ ơn ông nải chuối. Nhang chưa tàn, mẹ đã lo xong thức ăn sáng. Mẹ gọi hai cháu dậy cho ăn uống. Xong, mẹ đưa cu lớn vào trường tiểu học gần nhà, còn đứa nhỏ thì mẹ dắt theo ra chợ. Trưa, mẹ vừa nấu cơm, vừa bắc cái ghế nhỏ cho cháu tập viết chữ, đánh vần.

Trưa, tôi bán hàng về giữ cháu, mẹ tất tả nấu nồi chè để mẹ đi bán. Nhiều hôm mưa gió bán ế, gánh chè nặng trĩu trên vai mẹ. Tiếng rao trong đêm vừa não nùng, vừa da diết như tiếng ru: “Ai chè đậu đen nước dừa hôn…”. Mẹ về đến nhà thì đêm đã khuya, mâm cơm tôi chừa đã nguội lạnh, các cháu cũng đều đi ngủ. Mẹ lùa vội mấy hột cơm rồi cọ rửa xoong nồi, lau chùi nhà cửa.

Đứa cháu nhỏ bệnh đã lâu, cả hai mẹ con buôn bán mà chưa dành dụm được năm triệu để mổ cho cháu nên mẹ buồn lắm. Mẹ sợ mình trăm tuổi mà chưa lo được cho cháu. Nhiều đêm mẹ cứ thao thức tính toán mãi xem có cách nào chạy kiếm được số tiền quá lớn ấy không. Nghe tiếng gà gáy xa xa, mẹ mừng lắm: mẹ bắt đầu công việc của một ngày…

Thấy mẹ thương con cháu vậy không ai biết rằng sự thật chúng chẳng máu mủ gì với mẹ. Chồng tôi thất lộc từ lúc còn rất trẻ, tôi về ở với cha mẹ ruột. Mẹ sống một mình được đâu sáu tháng thì tôi mang đứa cháu lớn về nhờ mẹ nuôi.

Tôi bảo có thai khi anh ấy còn sống. Dù con trai bệnh nặng đã lâu nhưng mẹ không nghi ngờ, tra hỏi, vẫn đồng ý nhận cháu. Mẹ nuôi con tôi đến hai tuổi thì tôi lại về bồng theo đứa con nhỏ mới mấy tháng tuổi, đau ốm ngặt nghẽo và giống hệt anh nó. Tôi khóc lóc xin mẹ tha thứ. Tôi thú nhận với mẹ rằng tôi đã trót dại với một gã sở khanh từ lúc chồng mới mang bệnh. Cả hai đứa đều là con của gã.

Cha mẹ tôi không chịu nhìn, đuổi cả mấy mẹ con đi… Mẹ không nói gì, xới cho tôi chén cơm rồi lẳng lặng bế đứa nhỏ đặt vào lòng ru cháu ngủ. Nhìn con ngoan ngoãn trong tay mẹ, tôi rớt nước mắt. Tôi không dám xin mẹ cho tôi được ở lại, nhưng mẹ tự bế hai đứa cháu vào phòng cho chúng ngủ, rồi mắc mùng ở phòng vợ chồng tôi ngày xưa cho tôi ngủ. Mẹ bảo: “Sáng mai mẹ dẫn con về xin lỗi anh sui của mẹ…”.

Mẹ thương thằng lớn, quí thằng nhỏ, mẹ coi chúng không khác chi ruột thịt. Mảnh vườn rộng cùng với những hàng cây ăn trái lâu năm mẹ đã bán hết để lo chữa bệnh cho cháu nhỏ mà vẫn chưa thấm vào đâu. Mẹ lại dầm mưa dãi nắng, cùng tôi lo cho hai đứa. Niềm vui duy nhất của mẹ là khi ôm chúng vào lòng, nghe chúng bi bô hỏi về ba Tuấn và mẹ ôn lại những kỷ niệm về con trai ngày xưa: “Ba các con ngoan lắm, hay trèo cây ổi sau nhà, học rất giỏi. Có đứa nào được điểm mười như ba không?”. Tiếng cười nắc nẻ của hai đứa nhỏ khiến nỗi đau, nỗi mặc cảm trong lòng tôi được xoa dịu muôn phần.

Một ngày của mẹ, một đời của mẹ bình dị mà thiêng liêng biết bao nhiêu. Giờ đây nơi xóm nhỏ nghèo nàn, tôi thầm cầu mong mẹ sống lâu trăm tuổi để tôi được đền ơn đáp nghĩa đời đời. Dẫu mẹ không banh da xẻ thịt sinh tôi nhưng mẹ đã rộng lòng tha thứ, rứt ruột cưu mang tôi và các con cả một cuộc đời…
Nguyễn Thị Chúc (Q.Bình Thạnh, SG)

0 comments: