Được tạo bởi Blogger.
Thứ Ba, 30 tháng 7, 2013

Xin Lỗi!


Người lớn thường mắng bọn trẻ bây giờ không còn biết cảm ơn và xin lỗi. Sự thật có thế thật. Nên mắng là đúng và cần.

Nhưng có điều việc mắng nhiếc ấy phần lớn chỉ đủ để thỏa mãn nhu cầu dạy dỗ con trẻ của người lớn, chứ hiệu quả xem ra chẳng được bao nhiêu. Vì ngay chính người lớn cũng chẳng mấy khi biết xin lỗi…

Dẫn chứng thứ nhất: sân khấu Kịch Phú Nhuận (TP.HCM) có hôm tự ý “bận đột xuất” đã hủy suất diễn mà không hề báo trước. Khách đã mua vé, đến giờ vào rạp, bàng hoàng nhìn thấy một tờ giấy viết tay theo kiểu nói trống không: “Nghỉ diễn!”. Không hề có một lời xin lỗi nào…

Dẫn chứng thứ hai (xem hầu hết nhật báo nước ta từ tháng 8-2005): Tổng công ty Cấp nước Sài Gòn bán nước bẩn mà cầm tiền sạch của dân suốt mấy tháng qua nhưng ngài tổng giám đốc đến nay vẫn chưa chính thức nói lời xin lỗi hàng triệu đồng bào thành phố đang phải sống chung mỗi ngày với nước bẩn và những lời thanh minh “đục ngầu”!

Trong khi đó, ở Singapore, những lời xin lỗi trước rất phổ biến! Khi phải thay bóng đèn trong lối đi ở trung tâm thương mại, sửa chữa thang máy tại nhà ga xe điện, lắp đặt hệ thống cáp ngầm trên đường phố hoặc thi công công trình cao ốc mấy ngàn mét vuông... lập tức người ta treo ngay tấm biển chữ to ghi rõ: “Chúng tôi thành thật xin lỗi quí khách vì những phiền phức đã gây ra trong quá trình thực hiện”!

Tháng 7-2005, đến đảo quốc Sư tử, vợ chồng bạn tôi một hôm đáp xe điện đến Harbour Front để đi cáp treo thăm đảo Sentosa. Đến nơi họ mới biết là hệ thống cáp treo đang ngưng hoạt động để sửa chữa.

Công ty cáp treo cử nhân viên túc trực xin lỗi trực tiếp từng vị khách vì sự bất tiện do đã đến đây mà không đi được cáp treo, đồng thời mời mọi người sử dụng tuyến xe buýt miễn phí được tổ chức để đưa du khách qua đảo bằng đường bộ…

Xin lỗi là dấu chỉ của tự trọng cá nhân, của văn minh xã hội. Vì thế, khi chính quyền TP Lan Châu ở Cát Lâm (Trung Quốc) thực hiện chủ trương “lính sai, quan phải xin lỗi” trên truyền hình (Tuổi Trẻ 27-9-2005) thì dân chúng nhiệt liệt hoan nghênh, thái độ công chức và bộ mặt công sở đổi thay tích cực một cách rõ rệt.

Tướng De Gaulle của nước Pháp, trong hồi ký của mình, có lần đã “thống kê”: “Số lượng những kẻ ân hận bao giờ cũng lớn hơn nhiều lần số lượng những người dám thú nhận”. Câu nói này rõ một hàm ý: thú nhận bao giờ cũng khó khăn hơn ăn năn, nó đòi hỏi cả lòng dũng cảm… Ân hận là cuộc đối thoại với lương tâm cá nhân, còn thú nhận phải đối diện với lương tâm xã hội. Một lời xin lỗi chân thành thể hiện tinh thần gánh vác trách nhiệm của người có trách nhiệm.

Dĩ nhiên xin lỗi phải đi kèm với một nỗ lực tối đa để sửa chữa sai lầm, để khắc phục hậu quả. Còn xin lỗi chỉ để mà… xin lỗi lại là một dạng “đầu môi chót lưỡi” khác - không hơn không kém!
Duyên Trường

0 comments: