Được tạo bởi Blogger.
Thứ Năm, 13 tháng 6, 2013

Nỗi Đau Để Lại Từ Một Bản Tin


Lời tòa soạn: Khi đang biên tập bài “Chuyện đời tự kể” này thì bác sĩ Sao Mai điện thoại đến bày tỏ cùng chúng tôi sự xúc động với bài viết “Phía sau những dòng cải chính”... Chúng tôi quyết định đăng bài này như một lời nhắc nhở các nhà báo chúng tôi...

Buổi sáng hôm ấy khi vừa khám xong một bệnh nhân thì ông xã tôi gọi: “Hôm nay, trên một tờ báo lớn đăng tên em và...”. Hoảng hốt, tôi cầm vội tờ báo đọc ngay, từng chữ, từng dòng như những mũi tên đâm vào tim tôi. Tôi biết đó không là sự thật. Đáng buồn hơn là tác giả chưa hề gặp mặt tôi một lần để xác minh sự thật mà đã vội kết luận, lại còn đăng cả họ tên lên báo.

Điện thoại bắt đầu reo: một người bạn đã mất liên lạc từ lâu: “Nhờ báo mà tao tìm được mày”. Ngột ngạt quá, tôi ra hành lang, gặp một đồng nghiệp: “Thường ngày bác Mai khám rất kỹ mà!”. Rồi tin nhắn, nửa đùa nửa thật: “Chúc mừng trở nên nổi tiếng”. Trời ơi, ước gì mình có thể độn thổ ngay lúc này đây. Về đến nhà, tôi bắt gặp ngay ánh mắt cha mẹ buồn rười rượi xen lẫn lo âu. Lại điện thoại, bà con nội ngoại gọi đến, có người hỏi thẳng, có người vòng vo, rồi cũng vào bài báo. Một đêm thức trắng...

Hôm sau, vừa vào làm việc, cô hộ lý an ủi: “Bác Mai xui quá!”. Điện thoại, một bác sĩ ở tận Hà Nội gọi vào, hỏi về bác sĩ Mai. Giải lao, vừa mở tờ báo, mục châm biếm, người ta nói tôi thiếu trách nhiệm, quan liêu. Đầu óc nhức buốt, tôi đâm hoài nghi chính mình: hay tôi có gì sơ sót... và tôi đã cố bình tâm tìm trong máy tính hồ sơ cũ của bệnh nhân còn lưu lại.

Đúng là sự thật về tôi không đúng như bài báo đăng. Gọi cho bệnh nhân, anh bảo đã khỏi bệnh. Anh đồng ý đến gặp và hứa đem toàn bộ hồ sơ khám bệnh (hồ sơ này sẽ là một trong những bằng chứng nói lên sự thật rõ ràng nhất). Đến giờ hẹn, anh vẫn chưa đến. Con nhỏ của tôi ở nhà lại đang mong mẹ, mặc, tôi vẫn kiên quyết ở lại chờ bệnh nhân. Nhưng hai tiếng đồng hồ mòn mỏi chờ đợi trong biết bao hi vọng được đáp lại là một sự thất vọng đến ê chề, thất vọng gần như là tuyệt vọng khi anh này bảo đã đánh rơi toàn bộ hồ sơ khám bệnh. Giữa dòng xe tấp nập, tôi ra tận nơi bệnh nhân chỉ đã đánh rơi hồ sơ, cố tìm kiếm với chút hi vọng mong manh. Lại một đêm thức trắng.

Sáng vào làm việc, nhận lệnh làm tường trình toàn bộ sự việc cho bác sĩ giám đốc. Nhìn ánh mắt buồn bã của giám đốc và thái độ xử trí bao dung của thầy (tôi xem giám đốc như là một người thầy trong cả chuyên môn và ứng xử) càng làm tôi ray rứt hơn. Một đồng nghiệp mới về làm chung vô tình nói “sợ ảnh hưởng đến phòng…”.

Không vì bài báo “sai sự thật” (vì tôi biết mình làm đúng) nhưng sự mặc cảm vì mình mà làm ảnh hưởng đến tập thể đã có lúc quật ngã tôi. Có những lúc tôi cảm giác mình như quẫn trí, nhưng nhìn con thơ mới tám tháng tuổi với nụ cười hồn nhiên tôi thấy mình cần phải đứng lên, phải bảo vệ thanh danh. Thật đáng buồn ở chỗ lúc có tin người ta đăng ngay, không xác minh.

Vậy mà để đính chính, họ bảo phải chờ thời gian xác minh, điều tra, phóng viên giải trình. Chúa ơi, người ta mua bán dâm, tham ô, nhận hối lộ... mà còn viết tắt đổi tên, còn tôi, họ đăng sai mà ghi cả họ tên. Thêm nhiều đêm mất ngủ. Vài tờ báo đăng lại bản tin kia. Tất cả không để cho vết thương trong tôi lành.

Rồi sự thật cũng chiến thắng. Người ta gửi công văn xin lỗi tôi. Nhưng sao những mũi tên như vẫn còn nằm trong người tôi. Nó động đậy mỗi khi bệnh nhân hỏi xa xôi. Bạn bè còn nghi ngờ. Mấy người biết được cái công văn xin lỗi kia? Tôi có thể giải thích cho một vài người thân quen, nhưng tôi không có đủ thời gian và sức lực để đi giải thích cho triệu triệu con người trong khắp cả nước.

Đó là chưa kể đến bản tin “sai sự thật” được đăng lại trên các báo online và lan rất xa, rất rộng... Chỉ vì một bài báo mà suốt thời gian qua quĩ thời gian chăm sóc gia đình; thời gian nghiên cứu, học hỏi, trau dồi kiến thức và khả năng chuyên môn của tôi vô tình bị thu ngắn lại, thay vào đó là những cơn bức bối, những đêm mất ngủ, những lời giải thích... Tờ báo cũ rồi cũng phai. Nhưng nỗi đau còn ở lại.

Trong cuộc đời hành nghề y, bác sĩ chúng tôi luôn cố gắng tránh sai sót nhưng sai sót vẫn có thể xảy ra. Khi đó, chúng tôi cần lắm sự góp ý của bệnh nhân để chúng tôi làm tốt hơn, nhưng chúng tôi tha thiết xin những lời góp ý trung thực, chân tình, đúng sự thật...

Trong những năm tháng học rồi hành nghề y, những người thầy, những bậc đàn anh, những đồng nghiệp và bệnh nhân luôn dạy tôi về chữ “tâm”. Và tôi đã cố gắng bằng mọi cách thể hiện bài học ấy trong công việc hằng ngày. Nghề nào cũng đặt chữ “tâm” lên đầu. Đó cũng là niềm tin của tôi. Niềm tin đó, tôi biết, dần dần sẽ đưa tôi vượt qua nỗi đau quá lớn này...
Tôn Nữ Sao Mai

0 comments: