Được tạo bởi Blogger.
Thứ Ba, 13 tháng 2, 2018

Ngày Xuân Nói Chuyện Hái Lộc


Không biết từ bao giờ Phật tử vẫn có thói quen cứ ngày Mồng Một đầu năm thì đến Chùa lễ Phật, sau đó là ra ngoài vườn, hái hoa, bứt nhánh cây mang về nhà gọi là Hái Lộc. Do đó, cứ sau những ngày Tết là hoa cỏ sân vườn chùa xơ xác trông rất thảm hại, phải mất thời gian khá lâu mới gầy dựng lại được. Chính vì vậy mà nhiều Chùa sau đó phải tổ chức làm sẵn hoa giả, để trong Chùa để ngày đầu năm Phật tử thỉnh về nhà thay cho cây lá ngoài vườn, nhờ đó mà tránh được họa tàn sát cỏ cây ở Chùa. Là người Phật Tử của kỷ nguyên mới, chúng ta đánh giá hiện tượng trên như thế nào?


cây hoa bị bẻ trụi cành
 Không thể chối bỏ là Đạo Phật từ sau khi Phật khai đạo đến nay đã hơn 2.550 năm không những không rụi tàn, mai một, mà còn bành trướng ngày một rộng hơn. Phật Tử gia tăng ngày một nhiều thêm. Nhưng liệu đó có phải là một tín hiệu đáng mừng cho Đạo Phật, bởi vì chúng ta thấy hiện nay có quá nhiều sự thể hiện của tin đồ Phật Giáo xa rời hẳn tôn chỉ của Đạo Phật chân chính vốn có tôn chỉ là: Tự Tu, Tự Độ, Tự Giải Thoát.

Vậy thì nguyên nhân do đâu? Có cách nào để khắc phục hay thay đổi gì đươc không?

Ai cũng biết, từ sau khi Y Bát bị mất dấu, Chánh, tà khó phân. Người có Chánh Pháp hay không cũng rao giảng tràn lan. Lớp con, cháu cứ thế mà kế thừa. Người mến mộ Đạo Phật muốn tu học cũng không biết tin vào ai, bởi những vị đứng ra rao giảng thì ai cũng mang hình ảnh của đệ tử Phật. Cũng đầu tròn, áo vuông. Cũng tu hành thanh tịnh. Nhưng không hiểu vì sao đa phần người Phật Tử hiện đời lại tin vào sự cứu độ của Phật ngoài, cầu xin, cúng kiến để trao đổi… hoàn toàn không đúng tinh thần của Đạo Phật chân chính. Rõ ràng họ đều được sự hướng dẫn của các bậc tu hành, đâu phải do tự phát? Vậy thì lý do vì sao?

Theo tôi, có mấy nguyên do: Thứ nhất, đa phần Phật Tử quá dễ dãi, ít tìm hiểu Đạo Phật qua kinh sách, mà chỉ nghe theo hướng dẫn của vị nào đó, bởi ai cũng nghĩ đơn giản: bâc tu hành đã đầu tròn, áo vuông, mang hình ảnh của Phật thì không thể nào hiểu sai lời Phật được. Những gì họ giảng dạy đều đúng, nên thực hành theo. Do không đọc Chính Kinh, nên họ hoàn toàn không biết là không phải ai mang sắc áo tu hành thì cũng tinh thông Phật Pháp, đủ sức để hướng dẫn cho người khác. Trong Kinh Đại Bát Niết Bàn, Phật phân ra có nhiều hạng Tăng: Thánh Tăng, Phàm Tăng, Phá Giới tạp Tăng mà Phật gọi là "Cư Sĩ trọc", tức là dù họ mang đầu tròn, áo vuông, nhưng không giữ Giới thanh tịnh của bậc tu hành chân chính. Tất nhiên, nếu gặp phải những vị không phải là bậc tu hành chân chính thì họ làm gì có Chánh Pháp để giảng dạy.

Thứ hai, Nếu ai có đọc lịch sử Truyền Y Bát của Đạo Phật thì cũng đều biết: Trước khi nhập diệt Đức Thích Ca đã trao Y Bát cho Ngài Ca Diếp và dặn dò sau đó Y Bát lần lượt trao cho những người kế thừa để thời nào cũng có vị Giác Ngộ hiện đời cầm nắm dòng Chánh Pháp, thay mặt cho Phật.

Nhưng lời Phật chẳng được tuân giữ được bao lâu, vừa đến đợt kết tập thứ II, sau khi Phật nhập diệt khoảng 100 năm, thì đã có sự xung đột trong nội bộ Tăng chúng để tách ra thành hai khối: Một khối gọi là Thượng Tọa Bộ, là bậc Trưởng Lão trong Tăng chúng, nói rằng không chấp nhận cải cách, chỉ giữ y những gì trước kia Phật đã dạy, nên tách ra riêng lập thành nhóm mới, được gọi là Tiểu Thừa hay là PHẬT GIÁO NGUYÊN THỦY. Khối còn lại gọi là ĐẠI CHÚNG BỘ, là những người tiếp tục chấp nhận Tổ mới - người được tiếp tục nhận Y BÁT từ Tổ trước giao lại - Hai bên cùng phát triển song song cho dến hiện nay.

Phía Phật Giáo Nguyên Thủy thì tự cho là họ mới đúng là chánh đạo, vì thực hiện đúng theo lời của Phật dạy, không thêm bớt, thay đổi gì hết. Nhưng có một điều mà nhiều người nếu thiếu nhận xét thì khó thể phân biệt, vì lịch sử trải qua đã mấy ngàn năm, người đi sau khó có cơ sở để đánh giá. Nhưng qua lời dặn dò của Đức Thích Ca về việc Truyền Y bát, thì chúng ta thấy rằng chính Thương Tọa Bộ là những người đã ngụy biện khi không chấp nhận Tổ mới, tách thành nhóm riêng để tự rao giảng Đạo Phật, bởi các lý do sau đây:

Trước hết, họ cho là Tổ trước đã Truyền Y Bát cho người Trẻ, không xứng đáng bằng người nhiều tuổi, là bậc Trưởng Lão trong tăng chúng đương thời là họ. Họ không biết rằng rằng trong Phật Pháp không phân biệt già, trẻ, mà người Thấy Tánh, hay chứng đắc mới được truyền, vì thay thế người đi trước để cầm nắm vận mạng cả một tương lai của Đạo, đâu thể do cảm tình, hay vì già, vì tu lâu năm mà phải để cho thống lãnh đồ chúng? Bằng chứng là nếu Đạo cần người trẻ sao lúc sinh thời Đức Thích Ca không truyền cho Ngài Anan, vì Ngài vừa Trẻ, vừa thuộc Pháp của Phật như "Nước trong bình đổ ra, không thiếu một giọt"? Và sở dĩ Đức Thích Ca chọn Đức Ca Diếp đâu có phải vì ngài Già nhất trong tăng chúng, mà là vì Ngài Cười khi Đức Phật cầm Hoa Sen đưa lên trước chúng, nói lên sự thấu hiểu mục đích của Đức Thích Ca khi giảng dạy Đạo Giải Thoát. Những vị tách ra đó thật sự không nắm vững mục đích cũng như sự tu hành, chứng đắc của đạo Phật, nên không hiểu rằng Đạo Phật không thiên vị, không vì vào đạo lâu hay mau, già hay trẻ, mà phải là người Chứng Đắc, Thấy Tánh mới được giao cho tiếp tục cầm nắm giềng mối đạo, hướng dẫn người đi sau. Nếu đã thiên vị thì Đức thích Ca đã truyền cho con ruột của Ngài là La hầu La rồi.

Thứ nữa: Các vị lập ra nhóm Phật Giáo Nguyên Thủy cho rằng chính nhóm của các vị mới giữ y lời Phật dạy - như từ Nguyên Thủy mà các vị dùng - mà quên là đến đời của các vị thì Phật nhập diệt đã hơn 100 năm, trong nhóm của các vị làm gì có ai đích thân được nghe từ chính miệng của Phật giảng đễ cho là áp dụng chính xác lời Phật dạy? Các vị chỉ là người được NGHE LẠI từ những người đi trước, trong khi đó có chắc gì người các vị Tin, Nghe đó có thật sự diễn đạt đúng lời Phật hay không? Nếu thật sự các vị Tin, và cương quyết phải thực hiện đúng di ngôn của Phật thì tại sao không chấp hành theo việc Truyền Y Bát, chấp nhận quyết định của Tổ hiện tiền và sự lựạ chọn của Ngài? Bởi việc Truyền Y Bát bắt đầu từ chính Đức Thích Ca, và những đệ tử sau này của Ngài đều phải tuân theo để nói lên sự tin tưởng vào vị Giác Ngộ hiện đời toàn quyền thay mặt cho Phật quá khứ để truyền lại cho người mà bản thân phải Thấy Tánh, phải đầy đủ phẩm hạnh, nắm vững giáo Pháp để thay mặt Tổ trước. Hành vi không chấp hành đó rõ ràng là một sự Phá Giới, nổi loạn, xuất phát từ những cái Ngã chưa được điều phục của những người chưa thật sự tu sửa bản thân. Chưa chứng đắc mà muốn thống lảnh đồ chúng.

Lịch sử đã quá lâu, chúng ta không thể quay về thời kỳ Kết Tập lần thứ II để kiểm lại. Nhưng trường hợp điển hình gần nhất còn ghi lại trong Pháp Bảo Đàn Kinh là Sư Thần Tú. Dù Ngài không Thấy Tánh, không đủ trình độ để được truyền Y bát, tức là chưa được quyền dạy đạo nhưng sau đó cũng tự ý mở Chùa để đào tạo biết bao nhiêu lớp người tu hành, tiếp tục truyền lần cho đến hiện đời.

Pháp Bảo Đàn Kinh còn ghi lại toàn bộ diễn tiến từ lúc Lục Tổ hãy còn là người bán củi, cho tới khi vô chùa, được Truyền Y Bát, rồi phải lánh nạn như thế nào… để cho ta thấy là các Tổ chân truyền vẫn tiếp tục Truyền Y Bát lại cho Tổ sau, liên tục cho đến đời của Lục Tổ Huệ Năng. Và những người phía kia, cũng mang hình tướng, danh nghĩa tu hành, nhưng không thật sự tu sửa, mà chỉ muốn cướp đoạt Y Bát! Họ nhiều đời vẫn không từ bỏ ý định, đến nỗi tới thời Ngũ Tổ thì Ngài phải dặn Lục Tổ dấu đi, không được truyền nữa, vì tính mạng của người giữ Y Bát sẽ lâm nguy. Chính Lục Tổ cũng từng bị đuổi giết, bị đốt chùa. Trốn vô núi họ đốt cả núi... Chưa tiêu diệt được thì cho người "trộm pháp", sai thầy Tăng Hạnh Xương mang dao tới hành thích… thì ta thấy rằng Đức Thích Ca đã không lầm khi dặn dò việc nối truyền, nếu không có Y Bát để làm tin, chắc chắn Chánh Pháp đã bị hủy diệt từ lâu!

Chánh, Tà, đúng, sai đã được chứng minh, vì những đệ tử của Sư Thần Tú sau một thời gian dài tu học với Ngài, khi sang gặp lục Tổ, khi được hỏi về các pháp của Đạo do Sư Thấn Tú giảng, họ đều trả lời y theo Văn Tự, không giống như những gì Lục Tổ giảng dạy.

Qua đó ta cũng thấy rằng Tổ trước không bao giờ sai lầm, và hành vi của người không được truyền Y Bát càng lộ rõ bản chất chưa Thoát cái Ngã. Không lo tu sửa, mà chỉ muốn làm thầy để giảng dạy cho mọi người. Xét về mặt đời thì họ chưa thoát vòng Danh, Lợi. Xét về mặt Đạo thì họ thiếu hai điều quan trọng nhất của người tu là GIỚI và BÁT CHÁNH ĐẠO. Thật vậy. Nếu họ có giữ GIỚI thì ít ra cũng phải nghe theo sự thẩm định của người Thầy. Thầy đã xét rằng họ chưa đủ Trí Huệ, chưa chứng đắc, chưa thể ra giảng dạy, nhưng họ vẫn tự cho phép mình! Xét về Bát Chánh Đạo thì họ thiếu CHÁNH KIẾN để biết mình đang Phạm Giới. Họ cũng thiếu CHÁNH NGỮ để ngang nhiên ngồi Tòa giảng Pháp dù biết rõ ràng là Thầy chưa ấn chứng, chưa cho phép có nghĩa là cái hiểu Đạo của mình chưa đầy đủ, chưa được quyền giảng đạo! Ai có đọc Kinh DIỆU PHÁP LIÊN HOA sẽ thấy những điều kiện rõ ràng cho người Giảng Pháp: “Phải vào nhà Như Lai, mặc y Như Lai, ngồi Tòa Như Lai, rồi mới nên vì bốn chúng rộng nói Kinh này”. Nhà Như Lai chính là Tâm từ Bi lớn đối với trong tất cả chúng sanh. Y Như Lai chính là lòng nhu hòa nhẫn nhục. Tòa Như Lai chính là Nhứt thiết Pháp Không. An trụ trong đây, rồi sau mới dùng tâm không biếng trễ vì các Bồ tát và bốn chúng rộng nói Kinh Pháp Hoa này”. Rõ ràng họ không hiểu nghĩa của TU là SỬA, mà chỉ lo tranh giành để được ăn trên, ngồi trước thôi! Như vậy liệu có xứng đáng mang hình ảnh của Phật trên người, nói chi là ngồi Tòa để rao giảng lời Phật!

Ngoài Chữ còn có NGHĨA, mà Phật dạy phải Y NGHĨA, đừng Y NGỮ, nhưng nhiều người đã không chú ý tới lời nhắc nhở của Phật. Do đó mới có những hiện tượng mê tín, thần quyền vẫn tiếp tục thâm nhập vào giới tu hành, bởi chính bản thân người giảng pháp còn chưa hiểu được phương tiện của Phật, cứ đọc thấy đoạn Kinh nào nói về thần thông, phép mầu, cứu độ của Phật, Bồ Tát, là chấp ngay vô đó, khai triển đoạn đó, không đọc hết Bộ Kinh. Trường hợp đọc Kinh Diệu Pháp Liên Hoa mà chỉ đọc Phẩm Quán Thế Âm rồi tin tưởng vào một Bồ Tát Quán Thế Âm cứu Khổ cứu nạn, thành ra Nhị Thừa, mê tín, không biết rằng Bồ Tát cứu độ chúng sinh mà Kinh dạy đó cũng chỉ là những ý tưởng cao đẹp ở trong chính cái Tâm của mỗi người, không phải là vị nào đó trên trời cao, hay trên cõi Phật xa xôi nào hiện đến để cứu khi cầu xin.

Thế rồi người hiểu theo văn Tự lại được sự hỗ trợ của phương tiện truyền thông, đưa vào phim ảnh gây ra một hiệu ứng lớn về Nhị Thừa làm bao nhiêu Phật tử hiểu lầm tin theo. Điển hình là Bộ Phim Tây Du Ký của tác giả Ngô Thừa Ân, phóng tác dựa trên câu chuyện có thật của Sư Huyền Trang đi thỉnh Kinh bên nước Ấn năm xưa.

Từ những hiện tượng trong nội tâm mà Đức Thích Ca đã đăt tên là Tham, Sân và Si. Từ sự cứu độ được gọi bằng những giả danh BồTát. Cuối cùng, người hoàn tất CON ĐƯỜNG GIẢI THOÁT không còn bị các pháp ảnh hưởng được gọi là Như Lai. NHƯ LAI chỉ có nghĩa là ĐẾN, ĐI KHÔNG ĐỘNG, chẳng phải là tên gọi của vị Phật Tổ quyền phép vô biên.

Do không hiểu Nghĩa, chỉ Y NGỮ, nên tác giả biến toàn bộ thành những nhân vật bên ngoài. Người xem phim đều thấy một Bồ Tát Quán Thế Âm lúc nào cũng xuất hiện để cứu khi cần, và Đường Tăng tuy mang danh đi thỉnh Kinh, nhưng mọi việc từ lớn tới nhỏ đều do công của Tề Thiên Đại Thánh, một con khỉ có thần thông quảng đại! Không những thế, nhiều lần Đường Tăng còn u mê, do quá từ bi, hại đệ tử uất ức bỏ đi đến mấy lần suýt mất mạng vì yêu tinh! Cuối cùng rồi gặp được Phật Tổ Như Lai để ấn chứng và thỉnh được Bộ kinh Vô Tự!

Ông Ngô Thừa Ân không hiểu được Kinh Vô Tự chỉ có nghĩa là những gì mà người tu từ lúc Phát Tâm cho tới khi hoàn tất con đường Giải Thoát là cả một chuỗi việc làm. Từ Quán Sát, Tư Duy cho đến công việc Độ Sinh, hoàn thành Phật Quốc. Những điều đó Phật ví như hành giả đang tự mình viết một quyển Kinh. Cho nên gọi là Kinh Vô Tự, tức là người tu hành sẽ trực tiếp viết bằng công việc làm, không phải bằng chữ. Kinh như vậy thì làm sao do Đức Như Lai nào ban cho được?

Rõ ràng ông Ngô Thừa Ân cũng có nghiên cứu Đạo Phật, nhưng hoàn toàn hiểu theo nghĩa của văn tự gọi là "Y Kinh giải nghĩa". Vì thế, tuy cũng nói lên được những cái xấu là Tham, Sân, Si cần bỏ. Cũng nói lên được cái ý thức lăng xăng như khỉ, vượn. Nhưng không nói được cái Tự Độ, sự điều phục và hoàn thành Phật Quốc trong Tâm của người tu, do đó toàn bộ được chuyển ra ngoài, trở thành Nhị Thừa mà không hay.

Những danh xưng Chúng Sinh, Thánh, Bồ Tát, Phật là Đức Thích giả gọi, là để nói về những tình trạng của tư tưởng mỗi người chúng ta, từ xấu xa, chuyển dần đến tốt, đến cuối cùng là Giải Thoát. Chính vì vậy, những người không nắm vững đường lối và phương tiện của Đạo Phật, chẳng những tự mình tin sai, mà nếu còn rao giảng niềm tin đó qua sắc áo của bậc tu hành sẽ làm hại biết bao nhiêu tín đồ. Biến Đạo Phật từ "Tự Tu, Tự Độ, tự Giải Thoát' thành Thần Quyền, cầu xin nương tựa, giống như mọi tôn giáo khác!

Tất nhiên, chúng ta không thể quay lại quá khứ để trách người đi trước. Cũng không có lợi ích gì khi làm công việc đó. Cái sai, cái đúng của họ đã có Nhân Quả phán xét. Nhưng điều cần làm là chính bản thân ta, làm thế nào để đừng vướng vào cái sai của người đi trước, bởi tại sao chúng ta cứ nhắm mắt tin mà không chịu kiểm chứng, trong khi thế hệ ngày nay không thiếu Chính Kinh để tự tìm đọc, rồi chịu khó tư duy, quán sát, đối chiếu để tìm ra cái Nghĩa đúng để áp dụng theo.

Chỉ cần đối chiếu, ta sẽ thấy:

- Nếu ý thức đúng Nhân Quả thì đâu có đi kiếm cái lộc nào hơn là Tự gây Nhân thiện để hưởng Quả lành? Lộc nào đến được với ta, Phật nào phù hộ ta khi ta không chịu làm ăn một cách chân chính?
- Nếu đã tin lời Phật Thọ ký: Tất cả chúng sinh là Phật sẽ thành" thì tự mỗi người sẽ tìm xem cách thức để được như Phật, đâu có "Mang Phật ra mà lạy Phật" như lời Tổ Đạt Ma cảnh báo?
- Nếu biết rằng 32 tướng tốt của Phật tượng trưng cho những việc mà mỗi người Làm cho Phật của mình, thì tự mỗi người sẽ dùng hành động theo hướng dẫn của Kinh để thực hiện, đâu có mang vàng, bạc, ngọc ra mà đúc, mà tạc, rồi thắp hương xin tượng phù hộ cho mình giàu sang danh vọng, cho quốc thái dân an, cho nhân loại hòa bình?
- Thay vì đổ tiền ra xây Chùa Tướng trong khi đất nước còn nghèo, còn biết bao nhiêu trẻ em không có trường để học, người dân thiếu cầu để phải qua sông bằng những con đò nhỏ đe dọa tính mạng. Người nghèo không một mái nhà che nắng sương. Tiền đó sao không dành cho những việc làm ích lợi cụ thể cho mọi người, lại phung phí những đồng tiền mồ hôi nước mắt của bá tánh? Bởi nghĩa thật sự của Chùa là" Thanh Tịnh Địa", và cái Thanh tịnh đó nằm ở trong Tâm của mỗi một người, sau khi loại trừ Tham, Sân, Si đi. Hành động Thí xả Tham, Sân, Si là mỗi người đang hình thành cái CHÙA VÔ TƯỚNG trong tâm của mình, cho Phật của mình ngự. Đổ công sức, tiền bạc xây Chùa Hữu Tướng cho Phật nào ngự, vì “Phật là Vô Tướng, do vô lượng công đức mà thành”?
- Kinh dạy: “Mỗi người sẽ thành Phật khi cúng dường vô lượng vô số ức Đức Phật”. Cúng Dường mà Kinh dạy đó, có nghĩa là biến vô lượng vô số ức Chúng Sinh Thành PHẬT. Tức là nói về sự Giải Thoát vô số phiền não trong mỗi người. Giải Thoát được một Pháp thì Đức Thích Ca gọi là “thành tựu, hay là “Cúng dường một vị Phật”. Do đó, Cúng Dường Phật đâu có phải là mang hương hoa đi cúng các bức tượng Phật. Cúng cho thật nhiều tượng Phật, như những người đã “Y Kinh giải nghĩa”?
- Việc Cúng Dường được dặn dò phải “cúng dường thanh tịnh” tức là phải "Tam luân không". Tức là Không có người cho. Không có của cho. Không có người nhận. Mới nghe thì có vẻ khó hiểu, nhưng đó chính là để nói về hành động CÚNG DƯỜNG TRONG NỘI TÂM NGƯỜI LÀM. NGƯỜI CÚNG DƯỜNG LÀ CHÍNH MÌNH. PHẨM VẬT LÀ HƯƠNG CỦA NHỮNG VIỆC GIỮ GIỚI THANH TINH. LÀ NGŨ GIỚI HƯƠNG: HƯƠNG GIỚI, HƯƠNG ĐINH, HƯƠNG HUỆ, HƯƠNG GIẢI THOÁT, HƯƠNG GIẢI THOÁT TRI KIẾN. Đó tức là CÚNG DƯỜNG CHO SỰ GIẢI THOÁT CỦA CHÍNH MÌNH. CÚNG DƯỜNG CHO PHẬT CỦA MÌNH, đâu phải là cúng mà không lưu ý ít nhiều. Cho mà không quan tâm, không cần biết đối tượng được nhận là ai!
- Tự gây Nhân Thiện thì Quả Lành sẽ đến, cần gì tranh nhau đi hái Lộc? Cỏ cây có làm gì được cho ta? Tượng bằng xi măng, bằng đồng hay bằng ngọc thì cũng là tượng, đâu phải vì tạc thành hình Phật rồi trở thành linh ứng? Và cầu xin nào cho bằng CẦU MÀ KHÔNG CẦU, tức là GÂY NHÂN THIỆN thì QUẢ LÀNH SẼ ĐẾN, đâu phải là thắp hương, thành khẩn vái van, rồi Chư Phật sẽ chứng giám ?

Ngay cả Phật cũng phải tu mới thành. Con Ngài cũng phải tự tu. Nếu Ngài độ được thì trước hết phải Độ cho con, sao còn bắt La Hầu La đi tu làm gì? Vậy mà không ít chùa chiền cũng tin vào sức hộ trì của Tượng Ngọc để lôi kéo Phật Tử tin theo, trở thành miếng mồi ngon cho những kẻ lợi dụng Đạo! Qua đó, người khác đạo sẽ cho rằng hóa ra người theo Đạo Phật cũng chỉ là thay đổi hình ảnh Giáo Chủ mà thôi, vì cũng cầu xin, van nài, chờ ban phát!

Kinh sách vẫn còn lưu hành. Sai đúng đã được Phật chỉ dẫn cặn kẽ trong đó. Phật Ngôn có dạy: "Kẻ nào ca ngợi ta, tán thán ta mà không hành theo lời ta chỉ dạy. Kẻ đó đang phỉ báng nặng nề ta". Và rõ hơn hết là Bốn câu Kệ trong Kinh Kim Cang mọi người vẫn tụng hàng ngày:
NHƯỢC DĨ SẮC KIẾN NGÃ
DĨ ÂM THANH CẦU NGÃ
THỊ NHÂN HÀNH TÀ ĐẠO
BẤT NĂNG KIẾN NHƯ LAI"
Như vậy, nếu ta cứ tượng mà cho là Phật, rồi mang hương hoa cúng lạy thì phải chăng ta đang DĨ SẮC KIẾN NGÃ? Thời thời công phu bằng Tụng Kinh, phải chăng là DÙNG ÂM THANH CẦU NGÃ? Kết quả của những việc làm đó được ghi rõ trong hai câu sau mà ai có đọc cũng thấy Phật khẳng định: “Đó là những kẻ hành tà đạo. Không thể thấy được Như Lai”. Như vậy liệu ta có nên tiếp tục làm kẻ hành tà đạo để chẳng những không thể thành tựu được cho bản thân mà còn trở thành là kẻ phỉ báng Phật vì không hành theo lời chỉ dạy của Ngài? Mang sự hiểu biết chưa đúng ra phổ biến thì lại hại thêm bao nhiêu người, bao nhiêu thế hệ tiếp theo! Như vậy liệu ta có lường trước cái quả sẽ gánh trong vô lượng kiếp hay không? Hơn nữa, của Thường Trụ tuy dễ ăn nhưng khó tiêu dung. Chỉ người không ý thức Nhân Quả mới tin là chỉ cần khoác vào người pháp phục của Đạo là được vô tư thọ dụng của bá tánh!

Đạo Phật là Đạo Giải Thoát. Còn đường tu Phật là tự nỗ lực, dựa theo hướng dẫn của kinh sách để được Thoát Khổ. Pháp của Đạo Phật dạy là NHÂN QUẢ. Người tin theo thì được dạy cho phân biệt thiện, ác, tốt, xấu để biết gây Nhân thiện mà hưởng Quả lành. Con đường người tu Phật hành trì là cố gắng thực hiện lời Thọ Ký: “Chúng sinh là Phật sẽ thành” để cũng được Giải Thoát như những vị đã đi trước. Những tiêu chí này xem ra đã bị làm sai lạc hẳn để Phật tử thế hệ này chỉ biết cúng kiến, cầu xin đổi xấu, lấy tốt! Những hiểu lầm đó do đâu, nếu không phải do lớp người đi trước “chồng mê”? Liệu thế hệ này người Phật Tử có nên tiếp tục, vì “xưa bày, nay làm” hay nên chấn chỉnh lại, bắt đầu từ những người có trách nhiệm hướng dẫn bá tánh? Không thể đổ lỗi cho người đi trước mà bản thân ta tự chịu trách nhiệm với chính mình và chính Đạo Phật mà mình đang tôn kính. Người tu chân chính thì phải có tâm Tàm, Quý, biết sám hối khi sai lầm. Như vậy nên chăng chính người có trách nhiệm hướng dẫn bá tánh nên mở chính Kinh ra, đọc thật kỹ lời Phật, để bắt đầu từ kỷ nguyên này, trả lại cho Đạo Phật một hình ảnh trong sáng, không mê tín, thần quyền, cầu xin, nương tựa như khi xưa Đức Thích Ca đã khai đạo, và Chư Tổ chân truyền tiếp tục rao giảng?

Theo NEWVIETART.COM

0 comments: