Được tạo bởi Blogger.
Thứ Ba, 12 tháng 2, 2013
Một Đời Nuôi Ước Mơ

Không biết xác ba tôi giờ này có còn ở đó không? Hay theo thời gian, thân thể đó đã tan rã dần để phục vụ các bài học của sinh viên. Dường như linh hồn của ba tôi đang lẩn khuất quanh đây, khơi dậy trong tôi những câu chuyện về người.
Ba tôi lớn lên từ miền quê nghèo khó. Ông bà nội tôi rất đông con, thêm cái nghèo cứ đeo bám nên việc học là thứ xa xỉ đối với các con. Chẳng hiểu sao, ông con út là ba tôi lại thông minh, ham học vượt trội.
Bà tôi đã phải bán từng buồng cau, đến đàn lợn chưa đủ tuổi xuất chuồng để lo cho việc học của cậu út. Ba tôi đã học với niềm đam mê thích thú vì không muốn phụ lòng cha mẹ và vì lẽ sống cứu người. Ông đã từng chứng kiến những cái chết thương tâm của người thân, của dân làng, của trẻ thơ diễn ra nhanh vì nghèo đói và thiếu sự hiểu biết về y học.
Ngày ba tôi hoàn thành xuất sắc chương trình phổ thông, cả dòng họ mừng vui. Nhưng bên cạnh đó là nỗi lo lắng của ông bà tôi: không đủ tiền để cho ba tôi theo học ngành y. Cuối cùng, ba tôi quyết định vào ngành sư phạm. Rồi ông nội tôi mất vì bệnh lao phổi. Mắt bà nội tôi mờ dần và mù hẳn.
Ba tôi đau đớn tột cùng khi mình đã không góp phần chữa trị được cho người thân. Vừa đi dạy vừa đi làm, ba tôi vẫn nuôi hoài bão học tiếp ngành y. Nhưng khi anh em chúng tôi lần lượt ra đời, cuộc sống ngày một khó khăn hơn đã làm tắt hẳn ước mơ khoác màu áo trắng của ông. Ba tôi lặng lẽ đem hoài bão, niềm đam mê của mình vào bài giảng cho học trò và các con cháu.
Học trò của ba, trong năm cuối chuẩn bị làm cô tú, cậu tú rất mê giờ dạy vạn vật (sinh học) của ba tôi. Đậu tú tài xong, nhiều anh chị đã tự tin thi vào ngành y. Biết bao bác sĩ đã ra trường lâu năm, vẫn thường đến thăm ba tôi, người thầy cũ đã vun đắp cho họ lẽ sống cứu người. Vui nhất là ngày ba tôi được dự lễ tốt nghiệp bác sĩ của anh tôi. Đêm hôm trước, ông run run thắp nén nhang trên bàn thờ, tạ ơn tổ tiên đã phù hộ cho con cháu trưởng thành, thực hiện được ước mơ ông đã ấp ủ bấy lâu nay.
Ngày anh em tôi ra trường đi làm là lúc ba tôi yếu hẳn. Bệnh tim đã khiến bao lần ông phải vào cấp cứu. Một hôm, ông gọi cả nhà đến bên giường. Đôi mắt sáng hiền từ nhìn mọi người, ba tôi điềm đạm đưa cho cả nhà xem tờ đơn xin tình nguyện hiến xác của ông sau khi mất. Mẹ và anh em tôi cùng òa khóc. Chờ cho không khí lắng đọng, ba tôi nhẹ nhàng giải thích lý do vì sao ông đã đi đến quyết định này: “Con người rồi sẽ trở thành tro bụi. Lúc sống ba đã không đạt được ước mơ cứu người, khi mất đi, ba xin mang thân xác của mình để cống hiến cho y học...”.
Rồi ba phân tích cho chúng tôi rằng sống phải có ước mơ, phải cố gắng đạt được lý tưởng bằng đôi tay và khối óc của mình. Ông nắm tay mẹ tôi, cảm ơn bà đã là một hậu phương vững chắc cho cha con tôi đạt được nhiều ước mơ trong đời. Anh tôi đã góp phần cứu sống bao mạng người. Chị tôi đã trở thành một cô giáo tận tâm uốn nắn bao mầm xanh tươi tốt. Còn tôi, một công nhân loại giỏi đã góp phần làm ra nhiều sản phẩm có ích cho xã hội.
Cuối năm đó, ba tôi đã ra đi sau một cơn đau tim đột ngột: gia đình tôi đã tiễn ba đến phòng hiến xác. Tiếp nhận xác là một bác sĩ trung niên. Sau khi nhận hồ sơ, vị bác sĩ chạy vội ra nhìn mặt người chết và thốt lên: “Thầy ơi!”. Thì ra đó là một người học trò cũ của ba tôi.
Sau này, người bác sĩ ấy vẫn thường liên lạc với gia đình tôi, kể cho cả nhà nghe về sinh viên đã học được những gì trên thân xác ba tôi.
Đăng ký:
Đăng Nhận xét (Atom)
0 comments:
Đăng nhận xét