Được tạo bởi Blogger.
Thứ Năm, 27 tháng 9, 2012

Gánh Củi Tuổi Mười Lăm


Cũng giống như bao đứa trẻ khốn khổ khác của làng quê nghèo thuộc tỉnh Phú Yên, tôi sinh ra trong một gia đình rất đông con, là con thứ tám trong gia đình.

Để tôi có được những ngày cắp sách đến trường, ba mẹ đã bỏ ra biết bao mồ hôi, công sức lo cho con từng cái ăn mặc giữa cái thiếu thốn, cơ cực.

Để tôi có được chiếc xe đạp đến trường, mẹ tôi đã bán mất cả tạ thóc. Ngoài công việc mỗi sáng sớm đạp xe đến trường thì chiều về tôi cùng con bò (chỗ dựa vững chắc của gia đình) rong ruổi khắp nơi để tìm những ngọn cỏ xanh giữa cái nắng mùa hè oi bức. Bên cạnh những người bạn cùng trang lứa chúng tôi vui đùa thỏa thích.

Và khi tôi 15 tuổi, lúc đó tôi học lớp 9, trong một đêm hè dưới ánh trăng vàng, tôi và lũ bạn rủ nhau ra ngoài bờ ruộng, nói chuyện chăn trâu, thả diều... Bỗng có một thằng cất cao giọng nói: "Ấy, ngày mai đi núi đi tụi mày, đi núi vui lắm!".

Vi tôi chưa đi lần nào nên tò mò hỏi: "Thế đi có xa không?".

Nó trả lời một câu thật ngắn gọn: "Đi rồi sẽ biết, chỉ cần đem theo cái rựa, nắm cơm và mấy sợi dây buộc củi là được rồi. Có đi thì 4 giờ sáng ngày mai lên đường". Sau cuộc trò chuyện, ai về nhà nấy lo chuẩn bị các vật dụng, khi tôi về tới nhà, tôi đi nhè nhẹ lại bên mẹ và nói "Mẹ ơi! Mai con đi núi hái củi đấy!". Mẹ giật mình nói "Con đi với ai, nhỏ xíu mà đi cái gì". Tôi liền trấn an mẹ: "Không sao đâu mẹ, con đi với tụi thằng Tí và thằng Đất, tụi nó đã đi rồi".

Tôi cố nài nỉ mẹ, cuối cùng mẹ cũng đồng ý, "Thôi để mẹ xuống nấu cơm, đem vô trong đó ăn", tôi vui quá chạy xuống nhà bếp cầm cái rựa buộc vào chiếc xe đạp ngày ngày cùng tôi đến trường, xong rồi tôi vô ngủ nhưng không tài nào ngủ được, tôi cứ nghĩ đến ngày mai vào rừng. Khi tôi vừa chợp mắt được một lúc thì có nghe tíếng gọi: "Tám ơi! Dậy... dậy đi núi!". Tôi chợt tỉnh dậy thì đã 4g kém 10' rồi, nên vội chạy ra giếng đánh răng và rửa mặt, sau đó dắt chiếc xe đạp cùng bạn lên đường. 

Đi được một đoạn dài, thằng Đất chỉ về xa xa những dãy núi cao thấp, nhỏ to xen kẽ nhau, lúc đó đã tờ mờ sáng, ông mặt trời đã ló dạng, xua tan những giọt sương long lanh còn đọng trên kẽ lá, chúng tôi nghỉ chân tại một con suối và gửi xe vào một túp lều tranh. Chúng tôi cầm rựa tiến thẳng về núi, những ngọn dốc nhấp nhô, sừng sững, những tảng đá to lởm chởm và con đường rợp bóng mát. Chúng tôi len lỏi qua những tán lá cây còn ướt sũng, chân tôi đã thấm mỏi, tôi thở hì hục và giục lũ bạn nghỉ mệt một tí.

Nghỉ xong, lại tiếp tục đi, cuối cùng cũng đến nơi. Tụi nó đưa tay chỉ về phía rừng cây và nói: "Cứ tìm cây khô mà chặt". Tôi vung rựa chặt một hồi, nhìn lại, bàn tay tôi đã sưng phồng những bọc nước, nó ê ẩm cả, mồ hôi đầm đìa như mưa đổ. Lúc này tôi mới thực sự thấu hiểu được nỗi khổ và cực nhọc của ba mẹ tôi.
Làm xong, tôi chọn một cây thật thẳng, to bằng nắm tay luồn ngang qua hai bó củi rồi gánh ngược trở ra, vì tôi chưa quen nên khi đi, chân này cứ đá chân kia, vai tôi đau kinh khủng,rớm máu, tôi bèn cởi cái quần dài ra buộc vào vai gánh tiếp.

Nhiều lúc, tôi muốn vứt gánh củi đi nhưng nghĩ đến nỗi khổ của ba mẹ, thế là cố mà gánh tiếp ra tới con suối. Chúng tôi nhảy xuống, nước suối mát lạnh nhưng cũng chưa đủ làm tan biến tất cả mệt nhọc, chúng tôi lên xe và chạy một mạch về nhà giữa cái nắng trưa hè gay gắt. Khi về tới nhà, tôi vui sướng làm sao khi nghe mẹ nói: "Con của mẹ giỏi lắm".

Đó là gánh củi đầu tiên trong cuộc đời tôi. Tôi không bao giờ quên được và cũng chính gánh củi ấy là động lực thúc đẩy mạnh mẽ công việc học tập của tôi, nung nấu khát vọng thoát khỏi cái túng thiếu, sự nghèo khó mà tôi đã và đang trải qua. Chỉ có một câu trả lời là học, chỉ có học mới mong có được một cuộc sống ấm no hạnh phúc, mới đem lại niềm vui cho ba mẹ.

Hiện giờ tôi là SV năm I của một trường ĐH ở TP.HCM, tôi biết rằng trước mắt tôi là bốn năm dài gian khổ nhưng tôi sẽ cố vượt qua vì gia đình tôi, vì ngày mai, vì một tương lai tốt đẹp hơn, và tôi chỉ biết: "Cầu trời thương xót mẹ tôi/ Sớm hôm mạnh khỏe cho tôi đáp đền".

Võ Ngọc Tám - /tuoitre.vn/Nhip-song-tre/Tinh-yeu-loi-song/133398/Ganh-cui-tuoi-muoi-lam.htm

0 comments: