Được tạo bởi Blogger.
Thứ Ba, 21 tháng 8, 2012

Đôi Bông Tai Của Mẹ


Ngày mẹ tôi bước chân theo cha về nhà nội, sính lễ duy nhất là một đôi bông tai vàng 18 có kèm hạt đá trong suốt, lấp lánh. Thấy cha nghèo, ngoại quyết định không nhận bất cứ thứ gì từ gia đình nội. Ngoại bảo: "Chỉ cần tụi nó thương nhau, chăm chỉ làm ăn là được rồi". Nhưng ông bà nội một mực không chịu. Nội nói đời con gái chỉ có một lần; khó khăn cỡ nào cũng phải có đôi bông, vì đó là cái duyên con gái.

Khi các con lần lượt ra đời, cuộc sống càng thiếu trước hụt sau. Cũng từ đó, cha phải làm thêm nhiều việc hơn. Ngoài giờ dạy học, khi thì người đi giăng câu, chài lưới; lúc thì đặt lươn, bắt rùa... Công việc ngày đêm vất vả cộng thêm việc ăn uống thất thường đã khiến cha đổ bệnh.

Mẹ hết lòng lo lắng, tất tả chạy tìm thuốc nam sắc cho cha uống, rồi nấu nước xông, giác hơi, cạo gió. Vậy mà bệnh của cha vẫn không thuyên giảm. Mẹ bàn với cha chở người lên ông bác sĩ trên thị trấn, nhưng cha nhất quyết không chịu đi với ý nghĩ: đi thì lấy đâu ra tiền. Chiều đến, mẹ cầm xấp tiền đưa ra trước mặt cha và bảo đó là số tiền mẹ dành dụm phòng khi đau yếu. Khi ấy, cha mới yên tâm xuống xuồng cho mẹ chở lên thị trấn.

Rồi cha cũng khỏe lại. Dù mẹ cố tỏ ra bình thường nhưng "bí mật" của mẹ không thể lọt qua mắt cha. Thế nên, việc đầu tiên cha làm từ khi khỏi bệnh là tới tiệm vàng bà Tư Mập ở ngã ba sông. Cha đứng nhìn đôi bông cưới của mẹ nằm trong tủ kính mà nghe nghèn nghẹn trong lòng. Lặng đi vài phút, cha mở lời đề nghị chủ tiệm mang đôi bông ấy đi cất, đừng bán cho ai, sau này nhất định cha sẽ mua lại.

Ngày qua tháng lại, các con lớn thêm một tí cũng chừng ấy nỗi cực nhọc đè nặng lên đôi vai cha mẹ. Công việc "tay trái" của cha có phần thuận lợi hơn trước nhờ vào mùa nước nổi, tôm cá có nhiều. Một buổi chiều, khi cha chưa về đến nhà, sau khi bán mấy buồng dừa nước và liếp cải sau nhà, mẹ ngồi đếm những tờ tiền lớn nhỏ thấm đẫm mồ hôi rồi bảo chị Hai ở nhà trông em, mẹ đi có việc.

Mẹ đến tiệm vàng bà Tư Mập lúc trời chập tối. Tiệm vắng vẻ, chỉ một người khách duy nhất đứng quay lưng ra cửa. Mẹ lại gần, sững người và không tin vào mắt mình: trước mặt mẹ là cha với đôi bông của mẹ trên tay, được đặt trong một chiếc hộp màu đỏ. Hai người nhìn nhau không nói nên lời...

Thời gian trôi, kéo theo những nhọc nhằn cho cha mẹ khi nỗi lo không chỉ là chén cơm, manh áo. Mẹ nói đời mẹ nghèo, không có của cho các con thì phải cho các con cái chữ để vào đời. Ngày tôi đậu đại học, nỗi vui mừng bao trùm khắp nhà, lan tỏa sang hàng xóm. Vậy mà tôi vẫn cảm nhận được thoáng ưu tư trên gương mặt mẹ.

Rồi cũng đến ngày tôi tốt nghiệp đại học, có việc làm và lập gia đình ở thành phố. Thi thoảng tôi mới về nhà thăm cha mẹ. Một lần, tình cờ tôi về quê lúc mẹ vắng nhà. Tôi lục tủ tìm những giấy tờ cần thiết, tay vô tình chạm phải chiếc hộp màu đỏ ngày xưa. Tôi giở ra xem và hết sức ngạc nhiên: trong hộp không còn đôi bông tai của mẹ mà chỉ vỏn vẹn hai hạt đá lấp lánh nằm khiêm nhường ở góc hộp.

Đem chuyện ấy hỏi chị Hai, tôi mới biết rằng mẹ đã bán phần vàng của đôi bông tai để chuẩn bị cho chuyến đi thực tập của tôi vào năm 1989, khi tôi còn là sinh viên năm thứ ba. Còn hai hạt đá này mẹ muốn giữ lại để làm kỷ niệm. Nước mắt tôi giàn giụa vì thương mẹ. Tôi tự nhủ sẽ đặt làm lại cho mẹ một đôi bông tai khác, hệt đôi bông của mẹ ngày xưa...

Dòng đời lặng lẽ trôi. Mới đó mà đã đến dịp kỷ niệm mười năm ngày cưới của chúng tôi. Buổi chiều của ngày trọng đại ấy, chồng tôi mang về tặng tôi một chiếc hộp nhỏ. Tôi mở chiếc hộp ra xem. Một đôi bông tai hột xoàn sang trọng và hợp thời.

Trong giây phút ấy, bỗng nhiên tôi lại nhớ đến mẹ và đôi bông tai không còn nguyên vẹn. Nỗi vui mừng, cảm kích xen lẫn niềm ray rứt, ăn năn muộn màng. Bao nhiêu năm trôi qua, tôi có thể may quần áo mới mỗi tháng, có thể đến nhà hàng cách vài tuần, có thể đi du lịch mỗi năm... Vậy mà, chỉ một việc đơn giản là làm lại đôi bông tai cho mẹ như lời tự nhủ ngày nào tôi vẫn chưa thực hiện được. Một sự vô tâm đến tàn nhẫn!

Tôi mím chặt môi để không bật thành tiếng nấc, cố quay mặt đi để giấu hàng nước mắt chảy xuôi.

... Lúc ấy, ở quê nhà chắc mẹ đang cặm cụi sắc thuốc cho cha bên ngọn đèn dầu...

Nguyễn Đào - /tuoitre.vn/Nhip-song-tre/Tinh-yeu-loi-song/132937/Doi-bong-tai-cua-me.htm

0 comments: