Được tạo bởi Blogger.
Thứ Ba, 12 tháng 6, 2012

Thú Tội

Năm ấy đê sông Chu vỡ cả hai bờ, nước dâng tràn khắp nơi. Tôi đang học ở Trường cấp III Đào Duy Từ sơ tán về Neo Cốc Thọ Xuân, nhưng gia đình tôi tản cư về Thiệu Hóa (Thanh Hóa).

Bố tôi đã bỏ về Hà Nội vì ông cụ không chịu nổi những khó khăn của công cuộc kháng chiến trường kỳ. Từ Neo Cốc tôi đi bộ theo đường Quán Chua, băng qua một cánh đồng về bến đò ngang qua sông Chu là đến nhà.

Đoạn đường mười sáu cây số ngày bình thường chỉ ba giờ tôi đã có mặt ở nhà, nhưng lụt, nước mênh mang. Ở Thiệu Hóa tôi còn mẹ già, hai em gái nhỏ và thằng cháu mồ côi, lụt lội thế này lấy gì để ăn. Các bạn trong lớp khuyên tôi ở lại chờ vài hôm nước rút hãy về, đi đường nguy hiểm lắm.

Nhưng tôi không thể để mẹ tôi và các em bơ vơ trong lúc khó khăn này. Mặc quần đùi, cởi trần, tay xách bọc nilông vừa đựng quần áo, vừa dùng làm phao bơi, chống cây gậy tre, tôi đi bộ về nhà.

Cánh đồng mọi ngày tôi vẫn đi giờ đây nước dâng có đoạn đến ngực, đoạn đến gối, đoạn ngập đầu. Tôi cứ nhìn hàng cây bên đường mà đi. đến sông Nhà Lê, cây cầu tre đã gãy. Xa xa đình làng Cao Xá mờ trong sương chiều, bên kia sông có cồn đất cao và cây gạo cạnh cái am nhỏ tôi thường nghỉ chân.

Vứt gậy, buộc lại bọc nilông cho kín, ngắm hướng tôi bơi đi. Chiều tối tôi về gần đến nhà. Trên đê ánh đèn le lói, tiếng gọi nhau í ới, nước dâng gần đến mặt đê. Tôi lấy mấy đồng bạc của các bạn cho đong vài bơ gạo rồi bơi về. Trong ngõ, nhà ai cũng ngập đến mái, riêng kho gạo để ở nhà ông phán Trung (ông phán Trung đã bỏ đi theo Pháp, ủy ban kháng chiến lấy làm kho gạo) là không bị ngập, nhà tôi ở ngay sau kho.

Trên đường bơi, một con gà của nhà ai đang đập đôi cánh yếu ớt dưới làn nước mờ mờ. Tôi túm lấy, rồi trèo lên mái nhà cất tiếng gọi. Tiếng mẹ tôi, các em và thằng cháu ồn ào mừng rỡ. Tôi dỡ mái tranh chui xuống, cả nhà đang ngồi trên mấy tấm ván kê trên hai kèo nhà, dưới ánh đèn leo lét.

Em út tôi nức nở: “Cả nhà nhịn đói từ chiều qua, nước lên bất ngờ loay hoay kê ván quên mất hũ gạo. Chiều nay chị Na định trèo lên mái nhà gọi ông Giáp nhờ ông mua gạo, nhưng không ra được”. Kê bếp, bắc nước làm thịt gà nấu cháo, cả nhà vừa ăn vừa trò chuyện rồi đi ngủ.

Tôi nằm lo lắng phải làm gì để có gạo ăn cho gia đình trong những ngày này. Đêm đã khuya lắm tôi vẫn trằn trọc, suy nghĩ mông lung. Tôi nghĩ đến kho gạo ngay bên cạnh. Tôi biết đường vào dễ dàng vì khi chưa lấy làm kho, tôi thường vào nhà bằng cửa sổ, trèo cả lên trần bắt chim sẻ. Nhà rất kiên cố, cửa chính bằng những phiến gỗ lim đục đẽo công phu. Tường xung quanh cao, cắm đầy những mảnh chai vỡ sắc như dao cạo. Cuối cùng tôi quyết định...

Cả nhà tôi đã ngủ say, nhẹ nhàng như một con mèo, tôi lấy cái quần buộc túm hai ống, đội lên đầu, bò lên mái nhà, trườn xuống nước, vòng ra sau kho, trèo qua tường. Đu người lên cửa sổ, rút mảnh gỗ lá sách, mở chốt cánh cửa chớp, tôi lọt vào kho.

Tôi nhẹ nhàng xúc đầy gạo vào hai ống quần buộc chặt, khoảng được hơn mười ký. Đêm vắng lặng, tôi lần theo đường cũ về nhà. Mệt quá tôi ngủ thiếp đi. Sáng tôi dậy muộn, nước đã rút bớt.

Nghĩ đến chuyện đêm qua tôi vô cùng ân hận: đã bắt con gà của dân, đã ăn cắp gạo trong kho của Nhà nước, tôi tự lên án. Nhưng trong lòng lại ngụy biện: nếu không có gạo ấy, con gà ấy gia đình tôi sẽ chết đói.

Nhiều năm đã trôi qua, cảnh vật ngày xưa cũng đã đổi thay, kho gạo trước đây đã bị bom tàn phá. Nhưng cái đêm đen tối ấy vẫn còn dai dẳng ở trong tôi. Tâm hồn tôi không bao giờ yên tĩnh. Tôi vào bộ đội đi chiến đấu giải phóng miền Nam và được thưởng huân chương. Hòa bình lập lại tôi đi học đại học, trở về làm thầy giáo và đã có vợ con.

Được phát triển Đảng, nhưng khi viết đơn tôi đã không dũng cảm thú tội. Trong lương tâm tôi cứ nghĩ mình không xứng đáng để cầm tấm thẻ cao quí đó.
Giờ đây, viết ra những dòng chữ này tôi thấy lòng mình thanh thản phần nào. Tôi nguyện sẽ về thắp hương trên mộ mẹ tôi và cầu xin người tha thứ.

Từ Lâm (Đồng Nai) - /tuoitre.vn/Nhip-song-tre/Tinh-yeu-loi-song/130476/Chuyen-doi-tu-ke-Thu-toi.htm

0 comments: