Được tạo bởi Blogger.
Chủ Nhật, 25 tháng 12, 2011
Tấm Thiệp Giáng Sinh

Cứ mỗi cuối năm, nhìn cảnh các bạn trẻ lăng xăng mua thiệp tặng nhau ngày Giáng sinh, ngày tết, lòng tôi lại dâng lên một nỗi buồn, xao xuyến kỳ lạ. Đó là hình ảnh của chúng tôi mấy chục năm về trước. Chỉ khác các bạn bây giờ có thể mua thiệp trong nhà sách, siêu thị hay ngay trong lớp học (Đoàn, Đội bán gây quĩ), chúng tôi chỉ có niềm vui lang thang ra khu vực nhà thờ Đức Bà để chọn thiệp.
Không biết các giá thiệp phía trước nhà thờ Đức Bà và bên hông bưu điện có từ bao giờ. Cứ gần Giáng sinh là chúng tôi lại rủ nhau đi bộ ra đó lựa mua thiệp, cho dù thuở đó nhà sách nào cũng bán đầy thiệp, đủ giá, đủ loại.
Nhỏ Diệp thích không gian thoáng mát, dễ chọn hàng. Nhỏ Vĩnh nói người bán ở đây nam nữ đều vui vẻ, cởi mở. Đặc biệt mấy ông cái miệng “dẻo đeo”:
- Mua thiệp giùm chú đi các cháu...
Lúc đó chúng tôi chỉ thích những loại thiệp có đính kim tuyến, đính càng nhiều chúng tôi càng mê mẩn. Gặp nhau hằng ngày nhưng mua xong chúng tôi không đưa trực tiếp mà băng qua bưu điện, dán tem, gửi đi. Sau đó vào lớp hỏi: “Mày nhận được thiệp tao chưa?”, rồi khoe nhau. Ngớ ngẩn vô cùng!
Rồi Sài Gòn mất. Tôi vào đại học. Đất nước còn lắm khó khăn. Bạn bè tôi sang định cư nước ngoài bằng nhiều cách. Những tháng đầu còn gửi thư, gửi thiệp cho tôi. Rồi tất cả bị cơn xoáy của công việc, của nhu cầu nhà cửa, xe cộ... nên chẳng đứa nào buồn nhớ đến nhau ngày Giáng sinh.
Chỉ mình tôi ở lại. Ngày ngày viết thư xin bố nuôi tôi quà, tiền. Lá thư nào cũng bắt đầu “Con khổ quá, bố à!”. Bố tôi già, đã nghỉ hưu, không có nhiều tiền giúp đỡ tôi. Bưu điện là nơi tôi thường ngồi hàng giờ để chờ lãnh quà.
Là nơi tháng ít nhất một lần tôi gửi thư than khóc. Giáng sinh tôi chỉ có niềm vui duy nhất là chọn thiệp gửi bố. Tuổi tôi chững hơn. Người bán hàng đã đổi tông: “Mua giùm anh đi em...”. Tôi không còn thích các loại thiệp kim tuyến nữa.
Tôi chọn thiệp vẽ. Tôi thích nhất là những tấm thiệp vẽ cô gái mặc áo dài đứng bên nhà thờ Đức Bà. Tôi cũng dè sẻn để mua thiệp tặng tụi bạn. Bọn nó quên mình thì mình nhớ đến chúng vậy. Những cánh thiệp gửi đi chỉ có thiệp của bố từ Canada gửi đáp lại kèm theo gói quà nho nhỏ.
Lòng buồn rười rượi. Có lẽ chúng sợ phải “joyeux Noel” mình vài gói quà đây. Trời ơi, tao đâu cần... Tao vẫn còn sự tự trọng đối với bạn bè. Tao chỉ xin bố tao thôi.
Rồi đất nước đổi mới, mở cửa, cuộc sống dễ chịu hơn. Tôi chưa kịp báo cho bố biết đời sống của tôi đã khá hơn nhiều, đã dư ăn, dư mặc, đã mua xe gắn máy, đã sắm lại nữ trang, quần áo đẹp...
Bố tôi đã không còn nữa. Làm sao để khoe bố, để bố yên lòng yên nghỉ? Hôm nay tôi đã hơn tôi của ngày hôm qua rất nhiều. Tôi đã tự lập, đã đứng được bằng đôi chân của chính mình.
Không còn bố để gửi thiệp. Tôi gửi cho đám bạn kèm theo lời khẳng định: “Tao không cần quà hay đôla của tụi bay đâu. Giờ đây Sài Gòn hơn hẳn Sài Gòn trước 1975, thứ gì cũng có...”.
Đáp lại là những cú điện thoại gấp gáp: “Mày khỏe chứ, đừng gửi thư, gửi thiệp gì cả. Tụi tao bận cày bở hơi tai không có thì giờ đọc đâu...”. Và cứ thế, những cú điện cầm chừng, gấp gáp mỗi Giáng sinh. Sao tụi nó không nhớ tấm thiệp mang lại cho người nhận bao niềm vui.
Chẳng còn ai để gửi thiệp nữa, tôi vẫn giữ thói quen đi ngắm thiệp trên những giá thiệp xung quanh nhà thờ Đức Bà. Họ vừa bán vừa chạy trốn công an. Cấm họ làm chi nhỉ? Những tấm thiệp được bày bán ngoài trời này tạo sự lạ lẫm, thích thú cho du khách. Đi du lịch là tìm cảm giác lạ. Chứ đến một nơi y như nước mình thì còn gì thú vị...
Trước Giáng sinh nào tôi cũng đi qua đi lại ngắm thiệp. Chợt có tiếng đàn ông “dẻo đeo”:
- Cô ơi, mua giùm con đi cô. Nãy giờ cô đi tới đi lui hoài hổng lựa được tấm nào sao?
Tôi chợt cười buồn, nhận ra sự tàn nhẫn của thời gian. Nhiều năm trôi qua, cũng tại nơi đây tôi được gọi từ “cháu”, rồi “em” và bây giờ là “cô”!
Thiệp hôm nay đa dạng và phong phú hơn nhiều. Tôi vẫn chọn thiệp vẽ cô gái mặc áo dài đứng bên nhà thờ Đức Bà. Tấm thiệp này vẽ đẹp hơn nhiều so với ngày xưa. Tôi lấy hai tấm, băng qua bên kia đường, vào bưu điện.
Tôi ghi địa chỉ bố tôi. Ở góc from tôi chỉ ghi tên mình. Bố không còn nữa, cũng gửi cho bố thôi. Không ai nhận, không có địa chỉ người gửi, tấm thiệp về đâu cũng được. Tấm còn lại tôi ghi địa chỉ của mình. Cô nhân viên nhận thiệp, quay tem máy và trao lại để tôi bỏ vào thùng thư.
Tôi đi lòng vòng trong bưu điện, rồi ngồi trên ghế ngắm cảnh người xe bên ngoài. Tôi thường ngồi đây hàng giờ vào những chiều chủ nhật rảnh rỗi để nhớ về những gì gọi là ký ức. Nhớ hình ảnh cả bọn tíu tít gửi thiệp cho nhau.
Nhớ con bé lôi thôi lếch thếch vét từng trăm đồng để gửi một lá thư đi Canada. Giờ con bé đó chẳng cần đếm tiền để gửi thư và cũng chẳng còn ai để gửi. Có những thứ mà đồng tiền không thể mua được!
Đèn đường sáng choang. Những cành cây trên đường Đồng Khởi lung linh hàng ngàn bóng đèn li ti trong làn gió nhẹ dịu của mùa khô. Tôi đứng lên bước ra cửa bưu điện. Trên cao vài chú chim mải vui chơi vội vã bay về tổ.
Bước xuống các bậc tam cấp, nhìn lại cảnh thành phố thân quen một lần nữa, tôi lẩm nhẩm: “Có lẽ sáng mai mình sẽ nhận được tấm thiệp Giáng sinh của mình...”.
Nguyễn Ngọc Hà - 2005
Đăng ký:
Đăng Nhận xét (Atom)
0 comments:
Đăng nhận xét