Được tạo bởi Blogger.
Thứ Tư, 17 tháng 5, 2017

Không Có Gì Là Không Thể


Người ta thường nghĩ rằng chỉ con nhà giàu mới có thể đi du học. Còn nếu đã không giàu thì phải là ngôi sao trong trường, phải thật xuất chúng...

Tôi không thuộc hai diện trên. Tôi học không tệ, nhưng cũng không phải ngôi sao. Mẹ tôi là giáo viên một trường tiểu học với lương tháng vài trăm ngàn. Công việc của ba tôi thì cũng chẳng mấy khi ổn định. Nói chung, tôi là một học sinh bình thường, sinh ra và lớn lên trong một gia đình cũng bình thường. Nhưng tôi chưa bao giờ và sẽ không bao giờ tin vào qui luật nhà giàu - du học. Suốt cấp II và cấp III, tôi ấp ủ một giấc mơ. Tôi ao ước một ngày mình sẽ được bước đến một chân trời rộng hơn, sẽ học được bao điều mới mẻ từ văn hóa nước bạn...

Tôi chăm chỉ học, tham gia hoạt động xã hội, trau dồi tiếng Anh. Và rồi năm lớp 11, tôi vượt qua một kỳ thi và được cơ hội tham gia chương trình giao lưu văn hóa Mỹ. Hạnh phúc lắm, tự hào lắm. Tự hào vì tôi chưa bao giờ bước vào một trung tâm Anh ngữ đắt tiền nào, chỉ học trong một lớp học rất “khiêm tốn”, và phần chủ yếu còn lại tôi đọc sách và đến các viện bảo tàng để có cơ hội giao tiếp với người nước ngoài.

Thương con, ba mẹ tôi cũng dốc sức chạy vạy để có gần 5.000 USD đóng phí cho năm giao lưu ấy. Tôi sung sướng nghĩ về một ngày mai…

Nhưng mọi chuyện đã không suôn sẻ như vậy. Xót xa khi thấy mẹ tôi gom bao nhiêu thứ tiền từ bao nhiêu “ngóc ngách” để đi đổi từng tờ 100 USD. Nhưng rồi tôi hết sức thất vọng cùng nước mắt khi mỗi lần vào phỏng vấn là một lần tôi nhận câu trả lời: “Chúng tôi rất tiếc, em không đủ điều kiện để được cấp visa”. Tại sao? Cuối cùng, tôi mới vỡ lẽ ra vấn đề là ở “hồ sơ tài chính”. Gia đình tôi không thể chứng minh được nguồn thu nhập mỗi tháng để có thể được xem là kinh tế ổn định.

“Có lẽ du học không phải là cánh cửa dành cho mình”, tôi đã nghĩ như thế. Hụt hẫng và hờn trách cho “số phận”, tôi bước vào năm học lớp 12 một cách chán ngắt. Nhưng rồi tình cờ tôi đọc được quyển Hãy can đảm và tốt bụng. Đến bây giờ tôi vẫn thấy đó như một phép mầu. Quyển sách đã dạy tôi rằng: “Nếu giấc mơ của bạn đủ lớn, mọi chuyện sẽ chỉ là vặt vãnh”, và trong cuộc sống này, “mọi thứ chưa kết thúc khi bạn vẫn còn muốn cố gắng”.

Xếp chuyện xưa lại, tôi lao vào một “cuộc chiến đấu” mới và coi “tất cả là thử thách”. Tôi lao vào học, học đều các môn, nhưng hơi nhỉnh hơn tí ở các môn xã hội vì ngành tôi chọn học sau này là social work. Tôi dành 10 giờ mỗi tuần để học TOEFL bên cạnh việc ôn thi tốt nghiệp và đại học. Mỗi chủ nhật tôi vào các đền chùa, bảo tàng để có cơ hội giao tiếp tiếng Anh với những khách du lịch, dự các hội thảo du học và tham gia các cuộc thi tiếng Anh... Song song đó, tôi cũng đi làm thêm, phát quảng cáo để có tiền trang trải các thứ…

Mặc dù không biết liệu đến bao giờ giấc mơ của tôi sẽ thành hiện thực, nhưng tôi vẫn tin, vẫn cố gắng và làm mọi thứ mà mình có thể làm được. Sau gần một năm vất vả, tôi tốt nghiệp cấp III và trúng tuyển vào đại học, đạt Toefl 560 (so với nhiều người khác, đó còn là một số điểm “khiêm tốn” nhưng đối với riêng tôi, đó là kết quả của bao nhiêu ngày tháng kiên trì rèn luyện, là những buổi học được đổi bằng tiền mồ hôi công sức của chính tôi, của những tờ quảng cáo mà tôi đứng phát ở các trung tâm Anh ngữ sang trọng)...

Thế rồi “ngày trọng đại” với tôi cũng đến. Sau khi nộp đơn và hai tháng chờ đợi, tôi nhận được thông báo trúng tuyển vào Đại học Quốc gia Singapore (NUS). Trúng tuyển đồng nghĩa với việc Chính phủ Singapore sẽ hỗ trợ tôi trong các khoản tiền học phí, ăn ở… Ngày cầm giấy báo trúng tuyển trên tay, tôi khóc. Mẹ tôi cũng khóc... Giọt nước mắt cho những tháng ngày đã qua, cho bao nhiêu lần thất vọng rồi lại hi vọng, cho những bữa ăn trước khi đi học chỉ có bánh mì không và nước lọc, cho những tờ rơi tôi kiên trì phát hết đêm này qua đêm khác…

NGUYỄN THỊ THANH TÂM

0 comments: