Được tạo bởi Blogger.
Thứ Năm, 7 tháng 11, 2013

Vở Kịch Dài Nhất Trong Đời Tôi


Ngày đứa con gái thứ ba của tôi chào đời, tôi rất buồn vì bác sĩ thông báo cháu bị dị tật bẩm sinh từ trong bụng mẹ. Năm cháu lên bảy, tôi và cha cháu vì bất đồng trong lối sống nên đã quyết định ly dị. Đây là một cú sốc khiến cháu mặc cảm và tủi thân. Cháu ít nói và cũng không thích chơi với ai. Biết cháu là đứa tật nguyền nên tôi cùng các người thân luôn quan tâm và dành tình cảm đặc biệt cho cháu.

Ngày tháng trôi qua, cuộc sống vẫn trầm lặng tiếp diễn. Năm cháu lên mười lăm, có lẽ do bệnh tật bẩm sinh nên cháu chậm phát triển, nhìn cháu như đứa trẻ mới hơn mười. Lúc nào tôi cũng thấy cháu ít nói và ngại tiếp xúc với mọi người. Tôi biết cháu vì mặc cảm với số phận nên luôn tìm cách gần gũi và lắng nghe ý kiến của cháu. Một hôm, bất ngờ cháu ngã bệnh, ở nhà điều trị không hết tôi phải đưa cháu vào bệnh viện nhưng vẫn không có kết quả. Sức khỏe của cháu suy sụp trầm trọng.

Cháu nằm đó trơ gầy một bộ xương khô, thở dốc mệt nhọc và linh cảm tôi nghĩ thần chết đang đến đưa cháu về cõi vĩnh hằng. Sự sống của cháu lúc này là một điều huyền diệu.

Ngồi bên cháu hằng đêm tôi bất lực, nghe tim mình cứ đau thắt từng cơn. Tôi nuốt bao nhiêu giọt nước mắt chảy ngược vào lòng bởi không muốn cháu biết được sự bi quan của tôi. Sau hai ngày mê man, một đêm cháu mở mắt. Tôi mừng quá tìm cách để trò chuyện cùng cháu, dụ cháu uống thuốc và ăn ít cháo. Nhìn cháu không biết nói gì, không hiểu sao tôi lại dựng lên một câu chuyện nhằm an ủi cho cháu vui. Tôi nói:
- Có một đứa giống như con cũng bị bại liệt đôi chân, nhưng may mắn sao gặp một ông thầy rất hay được ổng chữa bệnh, giờ đây có thể đi lại được bình thường. Má đang liên hệ tìm gặp ông thầy đó để chữa bệnh cho con. Tốn bao nhiêu má không ngại. Nhưng con phải cố gắng ăn uống cho sức khỏe hồi phục thì mới mong trị bệnh được.

Cháu nhìn vào mắt tôi như đang bị thôi miên. Lần đầu tiên tôi thấy cháu mỉm cười trên gương mặt gầy gò, khắc khổ. Câu chuyện đó không ngờ là lọ nước thần đã cứu sống con tôi qua cơn nguy kịch. Cháu chịu ăn và ngoan ngoãn nghe theo lời chỉ dẫn của bác sĩ. Chỉ nửa tháng sau, cháu đã hồi phục xuất viện trong sự ngỡ ngàng của người thân, ai cũng cho đây là một chuyện lạ.Về nhà, cháu vui nói chuyện huyên thuyên. Gặp ai cháu cũng cười đùa vui vẻ.

Nhìn cháu vận động và lạc quan yêu đời tôi mừng lắm. Nếu như trước kia cháu chỉ muốn nằm, giờ đây cháu muốn tiếp mẹ làm nhiều việc trong gia đình mặc dù việc di chuyển rất khó khăn, miệng không ngớt líu lo như đứa trẻ mới lên ba đi mẫu giáo. Tôi nhìn cháu như cây khô được hồi sinh.

Đang vui bỗng dưng tôi nhớ về lời hứa của mình và thật sự lo lắng, biết làm sao bây giờ? Thực tế tôi cũng thầm lặng đi hỏi nhiều người có kinh nghiệm để trị bệnh cho cháu từ khi còn bé nhưng chỉ là vô vọng.

Rồi cháu nhắc đến chuyện ông thầy. Sau ít phút lúng túng, tôi tìm cách để tiếp tục dối cháu là nhà thầy ở tận Sài Gòn, tôi phải đi lên đó ít hôm để tìm thầy. Thực tế, tôi không có đi Sài Gòn mà sang nhà dì cháu. Tôi nói thật với dì về câu chuyện thầm kín đó. Dì cháu trách thật nhiều nhưng cũng hiểu cho tấm lòng của một người mẹ vì muốn có một niềm tin...

Về nhà gặp cháu, tôi bảo:
- Vì thầy là Việt kiều nên việc gặp thầy rất khó. Thầy phải bận luôn với công việc của mình ở hải ngoại. Nhưng yên tâm, má đã có địa chỉ trước sau gì má cũng điện cho thầy.

Hằng ngày cháu giục tôi điện cho thầy. Tôi chỉ biết ậm ừ. Và một hôm, tôi lại tiếp tục dối cháu là đã điện được gặp thầy. Đêm đó cháu mừng và thức trắng khi nghĩ về viễn cảnh tương lai của mình. Còn tôi không biết phải mừng hay lo trước vở kịch mà tôi đang diễn.

Để tạo cho cháu niềm tin, tôi phải nhờ người giả danh thầy viết thư, mua quà gửi về đều đều hằng tháng cho cháu. Nhưng lá thư nào cũng không quên lời nhắn nhủ là cháu phải cố gắng giữ gìn sức khỏe để có một ngày đi trị bệnh. Cháu nhờ tôi viết thư cho thầy bằng những lời lẽ rất ngây ngô, yêu thương kính trọng ông thầy.

Một tháng, hai tháng rồi hết năm, điệp khúc thầy bận lắm chưa về VN được cứ lặp đi lặp lại mãi. Cháu kiên nhẫn, mỏi mòn trước những lời hẹn của thầy. Cháu thương thầy mà không một lời thắc mắc. Nhìn cháu tôi thật đau khổ. Hơn mười lăm năm, cháu sống trong một sự chờ đợi. Còn tôi và dì cháu lại tiếp tục đi theo cái lao đang phóng.

Đó là một vở kịch dài nhất trong cuộc đời tôi mà đến nay vẫn chưa được hạ màn. Bởi tôi biết nếu vở kịch được kết thúc thì đời của cháu cũng hết. Còn tiếp tục nữa ư? Tôi quá mỏi mòn rồi...

Vưu Ái Nhi (Bạc Liêu)

0 comments: