Được tạo bởi Blogger.
Thứ Năm, 7 tháng 2, 2013

Mẹ Đã Đưa Tôi Vượt Qua Cái Chết


Tôi mãi mãi không quên mùa hè năm ấy, một mùa hè oi ả, nóng bức.

Vội trở về nhà trọ thoát khỏi cái nóng ngột ngạt trong lò ôn thi đại học, vừa lôi đôi chân tê dại ra khỏi đôi giày thể thao, tôi hoảng hồn nhận thấy chiếc cổ tất đã để lại một vết hằn tím bầm, sâu hoắm trên bắp chân... Liên tưởng đến những cơn đau bất thường ở thắt lưng thời gian gần đây, tôi mơ hồ một nỗi sợ hãi. Và rồi, điều lo ngại đó đã hiển hiện trên phiếu kết quả xét nghiệm của tôi: suy thận độ 1.

Mẹ tôi khăn gói xuống thăm, kiên quyết: “Vào nằm viện chạy chữa đi con! Tốn bao nhiêu mẹ cũng sẽ lo, chỉ cần con khỏe lại...”. Có lẽ mẹ đã suy nghĩ rất nhiều từ lúc nghe tin, trên cả quãng đường đi dài hơn 100km xuống Hà Nội để đưa ra quyết định sẽ ảnh hưởng đến tương lai của cả gia đình này.

Lần thứ hai kể từ ngày bố tôi qua đời, tôi bật khóc: tại sao căn bệnh quái ác mà người ta vẫn gọi là “bệnh của người giàu” lại rơi vào tôi? Mấy năm qua, một mình mẹ tần tảo lo cho ba anh em tôi ăn học đã quá vất vả, chật vật rồi. Tôi còn chưa kịp thi đại học, không còn bảo hiểm y tế nên mọi chi phí gia đình sẽ phải gánh hết.

Mỗi ngày nằm viện, riêng tiền thuốc đã ngốn hết 150.000 đồng. Mà bệnh của tôi, như bác sĩ nói: không trị được dứt điểm, thuốc men chỉ nhằm duy trì để nó không tiến triển quá nhanh, tức là đỡ gần với cái chết hơn thôi!

Mẹ đôn đáo khắp nơi chạy tiền, ngày càng rạc người đi, mặt hằn sâu các nếp nhăn. Hai đứa em kế tôi vừa đi học vừa phải lo việc nhà, sinh hoạt gia đình tiết kiệm đến mức tối đa. Hai đứa thương anh nên dù chịu khổ cũng chẳng kêu ca một lời. Tôi không đành lòng, bảo mẹ cứ để tôi xuất viện về quê.

Mẹ tôi kiên quyết: “Chết thì dễ, sống mới khó! Con phải can đảm lên!”. Hai năm tôi nằm tại bệnh viện, tất cả mọi tài sản trong nhà theo nhau biến thành những viên thuốc đặc trị đủ loại. Nợ mới chồng lên món nợ cũ. Thuốc tôi uống vào người nhiều đến mức bụng chướng lên như quả bóng, nhưng sức khỏe vẫn ngày càng suy kiệt.

Không còn hi vọng gì nữa, các bác sĩ đành quyết định cho tôi xuất viện. Họ hàng, hàng xóm đến thăm, tôi thậm chí không đủ sức ngồi dậy. Tiếng thở dài của họ khi bước ra cửa như ngầm hiểu: đứa con trai gầy mỏng như tàu lá héo, vừa mới 20 tuổi này chẳng còn sống được bao lâu nữa!...

Ai chẳng có khát vọng sống. Tôi cũng thế, tôi sợ hãi nhưng tôi đã chuẩn bị tinh thần cho điều xấu nhất từ lâu. Mẹ và các em khổ vì tôi thế là đủ lắm rồi! Duy nhất mẹ tôi vẫn không chịu đầu hàng. Nghe tin một bà lang ở Hòa Bình có bài thuốc dân tộc rất hiệu nghiệm, mẹ lập tức tìm đến.

Tôi không mấy tin tưởng nhưng cũng cố làm vui lòng mẹ lần cuối. May sao, sau một thời gian uống thuốc lá, bệnh của tôi có dấu hiệu thuyên giảm rõ rệt. Một năm sau trở lại bệnh viện, những người quen cũ nhìn tôi ngạc nhiên: “Cậu vẫn sống?”. Các xét nghiệm cho kết quả khá khả quan.

Tôi vẫn rất yếu nhưng đã bắt đầu nhen nhóm hi vọng trở lại cuộc sống bình thường. Người anh họ làm trong ngành xây dựng xin cho tôi một chân bảo vệ vật liệu trên Hà Nội. Thu nhập tạm đủ cho tôi sinh hoạt dè sẻn và tiếp tục uống thuốc điều trị. Mỗi lần nhìn mẹ tất tả lên thăm, đôi khi chỉ để nhìn xem con thế nào rồi vội vội vàng vàng trở về với núi công việc để trả nợ, tôi lại đau nhói trong lòng...

Tôi không biết trước bệnh tình của mình còn diễn tiến ra sao, cũng không biết mình còn bao nhiêu thời gian nữa. Mọi người nhìn tôi thương hại, họ thấy tôi chẳng có tương lai, chẳng còn quyền để ước mơ. Đôi khi, tôi cảm thấy cuộc sống của mình thật vô nghĩa. Nhưng cứ nghĩ đến mẹ, tôi lại tự xấu hổ vì ý nghĩ hèn nhát vừa đến trong đầu.

Mẹ tôi, các em tôi đã hi sinh tất cả chỉ để cho tôi được sống. Mỗi giây, mỗi phút tôi còn trên đời, còn biết yêu thương là mỗi giây, mỗi phút hạnh phúc của tất cả những người thân yêu nhất. Điều đó còn quí hơn mọi của cải trên đời. Và tôi biết mình không được phép đầu hàng, tôi cần sống, cần biết tiếp tục hi vọng để điều tuyệt vời này không trở thành vô nghĩa…
Hải Thành - /tuoitre.vn/Nhip-song-tre/138029/me-da-dua-toi-vuot-qua-cai-chet.htm

0 comments: