Được tạo bởi Blogger.
Chủ Nhật, 15 tháng 2, 2015

Ngày Xuân Nói Chuyện Uống Rượu Của Các Nhà Thơ


Nói đến rượu, người ta nhớ đến câu nói cửa miệng: “Tửu, sắc” nghĩa là rượu và sắc đẹp đi liền với nhau. Có người nói có tửu rồi thì muốn có “Sắc”. Chẳng thế mà có câu “Thứ nhất là rượu ngà ngà, thứ nhì công tác đường xa mới về”. Khi có vài chén, lục phủ ngũ tạng đã thấm hơi men, các mạch máu nóng, cơ bắp bắt đầu rung rinh nâng khát vọng con người lên thì cần phải dè chừng. Vì vậy vấn đề “Tửu sắc” biểu hiện ở mức thấp của uống rượu, mức độ cao hơn phải nói tới “thi, tửu” tức là thơ và rượu; thành ngữ có câu ‘bầu rượu, túi thơ”.

Từ bao đời nay thơ và rượu cứ như hình với bóng. Các bức tranh cổ, các câu chuyện cổ đều có hình ảnh các nhà thơ bên bầu rượu, họ làm thơ, họ bình thơ, họ uống rượu, xướng hoạ với nhau. Thơ nhạt cũng như rượu nhạt. Rượu ngon làm thăng hoa tâm trí, làm tâm hồn phiêu diêu, có những câu thơ bật ra từ thi nhân mà như từ trên trời rơi xuống. Đại thi hào Nguyễn Du từng viết:
Sinh tiền bất tận tôn trung tửu
Tử hận thuỳ kiêu mộ thượng bôi
-
Lúc sống không uống cạn hồ rượu
Chết rồi ai tưới rượu lên mồ cho
Khi vui, uống rượu, khi buồn cũng uống rượu. Cụ Tú Xương sống vào thời buổi nhố nhăng, đã quay lưng lại với sự ô tạp để vui cùng rượu:
Bạn cùng quỷ dữ chi cho bận
Vui với ma men thế cũng say
Người uống được thì thèm rượu đã đành, người không uống được cũng mượn rượu làm chất xúc tác. Cụ Nguyễn Khuyến viết:
Rượu tiếng rằng hay, hay chả mấy
Độ dăm ba chén đã say nhè
Cụ đã mượn rượu để tự giễu mình, tự nói cho vui. Nguyễn Công Trứ cũng mượn rượu để nói sự bất cần với cuộc sống bon chen:
ai say, ai tỉnh, ai thua được
Ta mặc ta mà ai mặc ai
Nói là nói vậy, là nói dỗi, “Xã tắc lâm nguy, thất phu hữu trách”. Tuy vậy khi cái sầu nhân thế đến, không xua được đi thì hãy tạm say đã. Tản Đà viết:
Say sưa nghĩ cũng hư đời
Hư thời hư vậy, say thời cứ say
Đất say đất cũng lăn quay
Trời say, trời cũng đỏ gay, ai cười
Thời chống Pháp, cuộc sống còn khó khăn, kỷ luật trong quân đôi rất chặt chẽ, người lính không được phép uống rượu, khi thèm rượu phải uống vụng, phải giấu. Quang Dũng đã ghi lại khoảnh khắc đó:
Một anh gọi cà phê
Một anh kêu thuốc lá
Một anh nhìn trước sau
Chị ơi ly rượu nhỏ.
Rượu nhỏ một ly thôi
Đời lính đã kham rồi
Một ly cho đỏ mặt
Cho lên hương cuộc đời
Nhiều khi ngâm nga chén rượu mà nhận ra sự sâu thẳm cuộc đời. Phạm Tiến Duật viết: “Trên mặt rượu là mặt người nghìn thuở” (nếm rượu). Trần Ninh Hồ thì bông đùa:
Câu thơ tuyệt tác ngâm cho vợ
chén rượu hào hoa nhắm với cơm
Nhưng rượu say đúng tầm cũng là khi con người thật nhất:
Nâng ly đã chếnh choáng rồi
Thì ra tận đáy là nơi thật mình
Giờ phút cuối năm, thường là lúc người ta tính sổ cuộc đời, buồn vui lẫn lộn, nhất là ngồi một mình nơi đất khách lại càng cô đơn:
Rót đầy băng giá cô đơn
Rót thao thức nhớ, rót hòn giận quên
Đêm cuối năm trong mỗi gia đình, cũng là lúc con người chiêm nghiệm lại cuộc đời, giá trị của người bạn đời bên cạnh:
Mỗi năm tết có một lần
Mời em ly rượu tay nâng ngang mày
Vợ cười chưa uống đã say
Ngọt bùi thì nổi, đắng cay thì chìm
Gót chân ăn vẹt bậc thềm
Quanh năm tất bật đi tìm ngày xuân
Tóc loang loang bạc, bạc dần
Mỗi năm tết có một lần thôi em…
Bài viết xin dừng tại đây, bạn đọc hãy cùng với những người gần gũi thân yêu nhất nhận ra giá trị cuộc đời này. Hãy dành cho nhau tình thương yêu chân thành nhất. Nào ta cùng uống rượu mừng năm mới chào đón xuân sang.
Theo Công đoàn Ngành

0 comments: