Được tạo bởi Blogger.
Thứ Tư, 7 tháng 2, 2018

Ngày Xuân Nói Chuyện Túi Khôn


Kinh Dịch, nói một cách chữ nghĩa, là một học thuyết phương Đông bao gồm những nguyên lý sinh thành vũ trụ và cuộc sống. Nói một cách dân gian là một túi khôn. Cái túi khôn ấy sinh ra từ bao giờ, biến thành túi khôn của dân Việt mình như thế nào, không ai biết. Trong khi khảo cứu, tôi có cảm tưởng không thiếu một nguyên lý Dịch nào không tìm thấy trong tục ngữ, ca dao. Xin kể một vài ví dụ.

Kinh Dịch có Hà Đồ, Lạc Thư mô tả sự hình thành của vũ trụ, Hà Đồ hình tròn, Lạc Thư hình vuông để lại dấu ấn trong cổ tích Bánh dày, bánh chưng. Bánh dày hình tròn, tượng cho Trời, bánh chưng hình vuông, tượng cho Đất. Câu Mẹ tròn con vuông tả sự sinh nở hoàn thành trọn vẹn, là xuất phát từ hình vuông tròn của Hà Đồ, Lạc Thư. Câu ca dao:
Trăm năm tính cuộc vuông tròn
Phải dò cho đến ngọn nguồn lạch sông
một mặt tả cuộc hôn nhân vui vẻ đẹp đẽ, mặt khác là lời khuyên con người muốn hoàn thành sự nghiệp, phải thăm dò thấu đáo mọi việc từ nguồn vận hành của vũ trụ, trời đất. Cuộc vuông tròn ở đây được ví như sự giao hòa trời đất, âm dương, lý tưởng của cuộc sống.

Quy luật Âm Dương, nòng cốt của Dịch học, đi vào đời sống người Việt và được lưu giữ trong văn hóa dân gian qua ngàn năm bia miệng thật tài tình. Trong số hàng ngàn câu tục ngữ, ca dao những câu trực tiếp nói về âm dương rất ít: Âm dương cách biệt; âm phù dương trợ; Dương thịnh âm suy… Nhưng tất cả những câu nói về quan hệ giữa vũ trụ và con người, quan hệ làng xóm, gia tộc, gia đình, cha con, anh em, chồng vợ, tất cả những câu nói về tình duyên, cuộc làm ăn, sự đời, hầu như câu nào cũng có âm có dương. Trời xui đất khiến; Trời cao đất dày; Cha sinh mẹ dưỡng... Nghe giảng về âm dương thấy trừu tượng, nhưng kể ca dao Việt thấy âm dương hiện ra như đếm.

Khi bàn về luật âm dương thì cái lý sau đây là khó hiểu nhất: Trong âm có dương và trong dương có âm. Trong mọi sự vật không có cái gì toàn là âm hay toàn là dương cả. Chẳng khác nào nói trong đàn ông có đàn bà, trong tròn có vuông, trong đất có trời. Có như vậy cả đấy. Đẹp nhất là cuộc sống âm dương giao hòa, nhưng không chỉ có giao hòa, nó luôn biến động. Âm dương cứ thế mà biến hóa.

Tuy nói khó hiểu, vì toàn là những cái trừu tượng, mơ hồ, không nhìn thấy, nhưng nó luôn hiển hiện trong cuộc sống, và nó đi vào túi khôn của người Việt mình.

Kinh Dịch có quẻ Thuần Cấn, tượng quẻ là hai trái núi, nghĩa quẻ là ngăn trở, ngừng lại, trở ngại trùng trùng. Kinh Dịch có quẻ Thuần Khảm, tượng quẻ là hai lần nước. Không gì hiểm bằng nước sâu, nên Thuần Khảm có nghĩa là hai lần hiểm. Kinh Dịch có quẻ Địa Sơn Khiêm. Khiêm là Thoái, Khiêm nhường (thoái nhượng, lùi nhường bước, nhún nhường). Tượng quẻ là trên Đất dưới Núi. Tục ngữ có câu: Một câu nhịn, chín câu lành; Mềm như lạt, mát như nước; Lạt mềm buộc chặt... Lại có những câu trái với khiêm nhường (để dạy khiêm nhường): Mặt lầm lầm tát nước đầm không cạn; Mồm loa mép chảo mách lẻo đôi co; Muốn nói không làm mẹ chồng mà nói... Khiêm tốn đến như thế này: Ai nhất thì tôi thứ nhì / Ai mà hơn nữa tôi thì thứ ba. Túi khôn của câu ca dao này ở chữ Tôi. Nhất nhì ba mặc kệ, tôi vẫn là Tôi.
Nhà văn Xuân Cang

0 comments: