Được tạo bởi Blogger.
Thứ Tư, 12 tháng 12, 2012

Dấu Gạch Thập


Sinh thời ông bà nội tôi rất nghèo. Ruộng đất phải thuê của địa chủ. Cái ăn, cái mặc thiếu thốn. Ba tôi chưa một lần đặt chân đến trường. Lớn lên một tí ba đã phải theo ông tôi ra đồng cuốc đất, phát rạ hay xuống sông chài lưới, câu, đăng. Đủ nghề, nghề nào ba cũng làm được và làm giỏi.

Rồi ba tôi lập gia đình. Chúng tôi lần lượt ra đời. Mẹ già, con nhỏ lại đông, ba tôi phải làm lụng cật lực để tìm miếng cơm manh áo cho các thành viên trong gia đình. Đôi tay ba mãi cầm cuốc, phảng không biết đến cây thước, cây viết.

Tuy vậy ba tôi vẫn cảm nhận được sự thiệt thòi của người không biết chữ nên mỗi đứa con sinh ra, đến tuổi đi học ba đều đưa đến trường. Ba luôn khuyến khích con cái học hành.

Ba nêu những sự việc xảy ra đối với người không biết chữ từ thực tế bản thân mình để con cái ý thức trong việc học tập. Tỉ như ba kể năm đó ba “sém” ở tù vì lúc bầu cử, chính quyền của chế độ cũ đã hướng dẫn ba gạt tên ông Bảo Đại, bầu ông Ngô Đình Diệm nhưng ba lại gạt tên ông Ngô Đình Diệm (sau họ biết sự thật là ba tôi không biết chữ, họ mới thả). Khi nghe ba kể, chị em tôi còn nhỏ quá chưa hiểu được sâu xa vấn đề mà còn cười mừng vì ba đâu có bị bắt ở tù, ba đâu có bị ai đánh đập.

Cho đến một ngày má tôi lấy ra một xấp giấy tờ được gói rất cẩn thận như là vật hộ thân của gia đình. Má làm giấy tờ đất đai nên tìm mảnh giấy của chính quyền cấp cho ba 12 công đất theo luật người cày có ruộng. Trong đống giấy tờ quí giá đó tôi để ý một tờ giấy khổ to hơn các tờ giấy khác, lấm tấm một vài chỗ mọt ăn. Tò mò, tôi mở ra đọc. Thì ra đó là tờ giấy ba tôi thuê đất của địa chủ.

Ba tôi thuê rất nhiều vì thuê ít đong lúa ruộng rồi còn lại chẳng đủ ăn cho gia đình. Cuối tờ giấy thuê đất là chữ ký của ba tôi. Lần đầu tiên trong đời tôi thấy chữ ký của ba. Đó chỉ là dấu gạch thập mà nét gạch ngang, dọc chẳng được thẳng. Nhìn dấu gạch thập, tôi mường tượng bàn tay thô ráp của ba run rẩy khi cầm cây viết (dù nó nhỏ bé gấp trăm lần cái phảng, cây cuốc). Tôi bước vội ra sau hè không để mọi người trong nhà nhìn thấy những dòng nước mắt đang trào nhanh ra khỏi mắt tôi. Năm ấy tôi được 12 tuổi...

Tôi quyết tâm phải học, học để bù lại cho sự thiệt thòi của ba tôi. Tôi vào lớp 6. Cả cù lao nơi tôi ở chỉ có một trường cấp II. Nếu đi bộ từ nhà đến trường phải mất hai tiếng đồng hồ. Trên đoạn đường tôi đi học phải qua biết bao “khúc đứt”. Có “khúc đứt” nhỏ cứ chạy lấy trớn rồi co chân phóng qua, nếu “khúc đứt” lớn gặp nước cạn thì xắn quần lội, gặp nước đầy có thể chỉ giơ cao tập vở khỏi đầu rồi bơi qua.

Trong suốt những năm học cấp II, tôi học khá nên năm nào cũng có giấy khen. Ba tôi rất quí và trân trọng. Ba lấy nẹp tre làm khung và lấy bọc nilông bao tờ giấy khen lại cẩn thận treo trên vách nhà. Và cứ mỗi năm tổng kết niên học ba lại ngồi vót tre để làm khung.

Học hết cấp II anh tôi nghỉ. Còn tôi, ba đưa lên học cấp III trường tỉnh, rồi vào đại học.

Khi tôi học năm 2 thì ba tôi mất. Tôi học ngành thủy sản nhưng thỉnh thoảng tập tành viết bài gửi báo. Bài báo đầu tiên được đăng, má tôi xem và khóc. Tôi hiểu những giọt nước mắt của má lẫn trộn sự nhớ thương ba một đời khổ cực và cũng là nước mắt vui mừng khi tôi đã thực hiện được sự khao khát con chữ của ba.

Từ đấy thỉnh thoảng có bài được đăng trên báo tôi giấu đi vì sợ má khóc. Nhưng thật bất ngờ một lần về quê dọn bàn thờ ba, tôi thấy những bài báo của tôi đặt phía dưới tấm trải bàn thờ. Có lẽ má tôi xem tôi viết báo là một “kỳ tích” (vì tôi là con một người cha chỉ biết tên mình qua dấu gạch thập). Tôi biết má muốn chia sẻ và báo tin cho ba...

40 tuổi tôi đậu cao học. Ngày tôi báo tin trúng tuyển, má tôi đã bật khóc và chỉ nói được một câu: “Phải chi ba con còn sống!”. Thú thật, đôi khi tôi cũng xao nhãng việc học với nhiều lý do: lớn tuổi học không bằng lớp trẻ, cuộc sống kinh tế chật vật, công việc cơ quan, gia đình..., nhưng khi nghĩ đến ba, tôi không cho phép mình lười biếng. Tôi biết rằng mọi con chữ của tôi hôm nay phải đổi biết bao mồ hôi, cả sự tủi nhục của ba tôi. Cái dấu gạch thập ấy luôn hiển hiện trong đầu mỗi khi tôi cầm viết.

Thanh Huyền - /tuoitre.vn/Nhip-song-tre/Tinh-yeu-loi-song/136389/Dau-gach-thap.htm

0 comments: