Được tạo bởi Blogger.
Chủ Nhật, 28 tháng 10, 2012

Không Cúi Đầu Xuống


Mẹ tôi luôn muốn con gái làm cô giáo. Vì thế mà cả ba người chị của tôi đều làm giáo viên. Năm lớp 9, tôi cũng nghĩ rằng sau này mình sẽ thi vào sư phạm văn.

Rồi một lần tôi chứng kiến cảnh mẹ bị một người có chức có quyền trong ủy ban nhân dân xã đánh vì mâu thuẫn cá nhân. Ông ta dùng những trái dừa khô ném tới tấp vào mẹ, cũng may chỉ trúng vào chân.

Mẹ chạy vào nhà một người quen, ông ta còn sấn tới đánh vào sau gáy, cú đánh mạnh đến nỗi mẹ tôi gục xuống và phun ra một ngụm máu. Vậy mà ông ta còn chưa chịu dừng tay. Mọi người có mặt lúc ấy hình như không dám can ngăn vì sợ “ổng nhớ mặt sau này có chuyện gì khó xin giải quyết” (câu nói tôi vô tình nghe được).

Tôi ôm chặt lấy mẹ và khóc. Mẹ sợ ông ta đánh cả tôi liền ráng gượng bảo tôi chạy về nhà trước. Tôi trân mắt nhìn ông ta, không hiểu sao lúc ấy tôi đã không biết sợ là gì. Và ông ta trừng mắt nhìn lại tôi. Tự dưng lúc đó tôi lại muốn ông ta đánh mình, một cán bộ đánh dân vì thù riêng, đánh cả đứa bé gái đáng tuổi con mình thì ông ta có còn là gì trong mắt người dân.

Ông ta không đánh tôi, cũng không tiếp tục đánh mẹ. Nhưng sau ngày ấy, ký ức của tôi đã in sâu cái ánh mắt hằn học, khuôn mặt hung hãn của một người có chức quyền và ngụm máu tươi của mẹ. Tôi đã trăn trở nhiều lắm.

Những suy nghĩ về cuộc sống màu hồng mà văn học mang đến đã bắt đầu loang lổ những vết đau. Mấy chị tôi nhiều lần mang đơn đi kiện, nhưng rồi sự việc cứ bị chìm đi. Mẹ xua tay bảo cho qua vì “ổng là chủ tịch xã, chức quyền lớn lắm, mình là dân, ai thèm xử”. Mẹ còn dặn sau này ra đường có gặp ông ta thì thôi cố nhịn, cúi đầu xuống mà đi qua cho yên.

Tôi ngơ ngác, tại sao lại phải như thế? Mình có tội gì chứ? Tôi chưa bao giờ cúi đầu xuống, ngay cả khi vào ủy ban nhân dân xã chứng giấy tờ, nếu gặp ông ta, tôi vẫn trân mắt nhìn. Người phải cúi đầu xuống là ông ta chứ không phải tôi.

Sang những năm cấp III, tôi vào phố học, lúc ấy mới có điều kiện đọc nhiều báo. Tôi thấy những vụ hà hiếp dân người ta viết tất lên mặt báo, công khai cho tất cả mọi người xem. Hồi đó ở quê tôi, người dân suốt ngày bán mặt cho đất, bán lưng cho trời, có mấy ai biết đến tờ báo.

Thông tin có được chỉ nhờ vào chiếc đài phát thanh xã, nhưng cũng chẳng khi nào xã dám phát những chuyện đại loại như thế. Càng đọc nhiều vụ quan liêu, tiêu cực bị phanh phui, tôi càng thấy tâm đắc. Và tôi bắt đầu ước muốn mình cũng sẽ được là một người viết như thế. Mong muốn ấy theo tôi suốt những năm cấp III, và cuối cùng tôi đã xin mẹ thi vào khoa báo chí.

Cuộc sống của người dân quê tôi bây giờ cũng đã khá hơn. Hôm về nhà, tôi thấy người ta cũng bàn tán xôn xao về vụ PMU18 chứ không mù tịt thông tin như trước nữa. Tôi đã đi và viết về nhiều sự kiện. Nhưng vẫn chưa lần nào tôi viết về câu chuyện ngày xưa.

Cho đến bây giờ, khi Tuổi Trẻ mở cuộc thi viết “Chuyện đời tự kể”, tôi quyết định viết... Tôi mong rằng ông cán bộ xã ngày ấy - bây giờ đã được thăng chức cao hơn rồi - sẽ đọc được những dòng này.

Dẫu sao cũng chính vì sự tàn nhẫn, quan liêu của ông mà tôi đã theo nghề báo. Một sự lựa chọn cho cả cuộc đời mình. Sẽ không bao giờ tôi cúi đầu xuống như những người dân quê tôi vì sợ “ổng nhớ mặt sau này có chuyện gì khó xin giải quyết”.

Thanh Quyên - /tuoitre.vn/Nhip-song-tre/Tinh-yeu-loi-song/134125/Khong-cui-dau-xuong….html

0 comments: