Được tạo bởi Blogger.
Thứ Tư, 5 tháng 9, 2012

Biết Tự Mình Đứng Dậy

Khi tôi viết những dòng này thì thầy tôi, thầy Chu Xuân Bình, giáo viên văn Trường THPT chuyên Lê Quý Đôn, tỉnh Khánh Hòa, đang phải vật lộn với bệnh tật từng ngày.

Nhưng thầy vẫn lên lớp, vẫn truyền đạt cho học trò những lời văn, lời thơ, lòng yêu văn chương và cả những bài học quí báu trong đời...

Bước vào năm lớp 10, cũng là năm đầu tại trường chuyên của tỉnh, tôi như kẻ bước hụt, bối rối, ngẩn ngơ và buồn... Thầy Bình là một người nghiêm khắc, không hề thiên vị. Thầy không có bất kỳ ưu đãi nào đối với một đứa có “lịch sử thành tích” (được giải nhất văn cấp tỉnh năm đó) như tôi.

Thầy xem ai cũng như ai, mọi người đều phải phấn đấu. Thầy từng tuyên bố: “Dù các em đã từng đứng trên đỉnh cao cũng không nên hài lòng với chính mình. Ngược lại, có thể em chưa bao giờ là gì trong thế giới này nhưng em vẫn có thể làm nên điều kỳ diệu nếu em nỗ lực không ngừng và làm việc có khoa học!”.

Điều thầy dạy làm cho tôi, một đứa học văn theo cảm tính hơn là sự nghiên cứu nghiêm túc, phải chột dạ. Kiểu học ấy cùng với sự ỷ y làm tôi dần sa sút. Những điểm kém, những lời la mắng, khiển trách của thầy đã khiến tôi bật khóc. Tôi không thể chịu được những áp lực mà tôi nghĩ thầy luôn muốn áp đặt lên chúng tôi: đọc kỹ, nghĩ sâu, rèn lối viết… Đã có lúc tôi ghét thầy.

Tôi nghĩ phải chi thầy nhẹ nhàng an ủi thì chúng tôi đâu phải khổ sở như vậy, có khi vì thoải mái mà chúng tôi làm tốt hơn? Mãi về sau tôi mới biết thầy, chính cách dạy của thầy đã đem đến cho tôi một chân lý sống: ta chỉ thật sự thành công khi nghiêm khắc với chính bản thân mình.

Lối viết của tôi dần khá hơn cũng là lúc tôi nhận ra, tôi đã yêu thầy, kính trọng thầy biết nhường nào. Qua những bài học của thầy, tôi không chỉ cảm nhận tình yêu đối với văn chương mà cả những bài học triết lý, nhân sinh sâu sắc.

Chúng tôi yêu quí thầy, thể hiện tình yêu với thầy bằng việc cố gắng học thật tốt, giật giải quốc gia. Lớp 11, tôi được giải khuyến khích, cũng là giải văn duy nhất của cả tỉnh. Tất nhiên, cả tôi và thầy đều chưa thể bằng lòng với kết quả ấy. Sang lớp 12, đội tuyển tỉnh tám người thì lớp tôi đã chiếm sáu. Ai cũng nỗ lực tự tin, vậy mà… Đề thi dài, tôi lúng túng… Kết quả, bạn thân của tôi đoạt giải 3 quốc gia trong khi tôi không có gì.

Tôi gục mặt lên bàn thút thít rồi dường như không chịu nổi khi tiếng thầy giảng vẫn ù ù bên tai, tôi chạy ào ra khỏi lớp, khóc nức nở. Trước buổi liên hoan chia tay của học sinh lớp 12, tôi viết cho thầy một bức thư thật dài, nhận tội với thầy vì đã không làm được những gì thầy kỳ vọng ở tôi, thậm chí tôi thấy mình là “nỗi nhục” của thầy.

Buổi liên hoan diễn ra thật xúc động, bạn bè, thầy cô, tất cả đều thân thương, tất cả mai đây sẽ thành kỷ niệm... Thầy đã gọi tôi đến, đặt bàn tay đầy đồi mồi và run run vì chứng bệnh gút của thầy lên vai tôi: “Thầy không bao giờ ghét con, không bao giờ ghét học trò của mình, dù người đó vẫn chưa đạt được kỳ vọng của thầy. Thầy chỉ ghét những ai ngã mà không biết tự mình đứng dậy. Nên nhớ, thầy luôn ở bên con!”.

Và thầy luôn ở bên tôi thật. Tôi đậu đại học với số điểm khá cao. Lớp tôi xúm xít khoe thầy thành tích đậu đại học trên 90% của mình. Đôi mắt thầy thật vui. Thầy cười mà lòng tôi quặn thắt, chợt nhận ra mắt thầy, trán thầy, tay thầy đầy những nếp nhăn, những nét đồi mồi, thầy đã già...

Tôi 20 tuổi, học chuyên ngành báo chí. 20 tuổi, đã có lúc tôi thất vọng, chán nản, nghi ngờ chính bản thân mình, đã có lúc tôi đau đớn vì tình yêu. Đã có lúc tôi tìm đến rượu bia để giải sầu và tôi say, tôi khóc, tôi gọi thầy: “Thầy ơi! Thầy! Thầy xem học trò của thầy tệ hại đến thế này đây!”.

Tỉnh rượu, tôi lại khóc, nhưng không phải cái khóc vật vã như đêm hôm trước, chỉ là những dòng nước mắt lặng lẽ. Tôi vùng đứng dậy, cầm sách đến trường với lời thầy: “Thầy chỉ ghét những ai ngã mà không biết đứng dậy!”.

Trần Thị Mỹ Hạnh - /tuoitre.vn/Nhip-song-tre/Tinh-yeu-loi-song/133247/Biet-tu-minh-dung-day.htm

0 comments: