Được tạo bởi Blogger.
Thứ Tư, 11 tháng 7, 2012
Để Lòng Tôi Thanh Thản

Chị Đoan Chính động viên và hướng dẫn bệnh nhân bị ung thư trực tràng cách sử dụng túi chứa phân, cách ăn uống nghỉ dưỡng. Ảnh chụp chiều 10-4 tại khoa tiêu hóa Bệnh viện Bình Dân - Ảnh: T.T.D.
Năm 2003, sau những cơn đau quằn quại, tôi phát hiện mình bị ung thư trực tràng. Sự sợ hãi của tôi lên đến tột đỉnh, bầu trời như sụp đổ dưới chân tôi, lòng tôi tan nát.
Khi phẫu thuật, tôi bị làm một hậu môn nhân tạo, nghĩa là phải đeo cái bao bên hông để hứng phân cho đến hết đời. Khi xuất viện về, một chị nằm cùng phòng nhắn nhủ: “Chị về cố ăn uống, thuốc men để sống với con nhé”.
Tôi phải hóa trị 12 tháng (mỗi tháng bốn ngày). Trong một năm hóa trị tôi đã cố gắng ăn uống, mày mò nghiên cứu các loại bao tốt, xấu để sử dụng cho hậu môn tạm của mình. Tôi đã trải qua những tình huống dở khóc dở cười trong việc dùng bao cho hậu môn nhân tạo.
Trong thời gian hóa trị, nằm cùng phòng với những bệnh nhân như tôi (đa số ở các tỉnh thành), tôi thấy họ đã không biết chăm sóc và mua những thứ bao để sử dụng cho hậu môn nhân tạo. Họ rất khốn đốn. Tôi hỏi thăm thì được biết ở các tỉnh không bán loại bao hay cái khung dành cho người có hậu môn nhân tạo.
Sau một năm tôi rút ra được nhiều kinh nghiệm về ăn uống, về cách sử dụng các loại bao và uống thêm thuốc nam. Tôi lên được 14kg, thấy mình khỏe mạnh, tôi nghĩ ngay đến những bệnh nhân, những người bị như mình.
Tôi quyết định trở lại Bệnh viện Bình Dân, nơi tôi đã mổ, và xin bác sĩ trưởng khoa tiêu hóa cho tôi được đi thăm bệnh nhân để chỉ dẫn họ. Bác sĩ T.K. là một người có lòng tốt. Ông và tập thể bác sĩ, điều dưỡng ở khoa đó đã tạo mọi điều kiện thuận lợi cho tôi được đi thăm bệnh nhân.
Thế rồi mỗi thứ năm hằng tuần tôi đều đến với các bệnh nhân thăm hỏi, chỉ dẫn cách chăm sóc và sử dụng các loại bao cho hậu môn nhân tạo, chỉ cách về ăn uống và uống thuốc nam. Tôi đi như vậy đã được một năm, bây giờ sự hiện diện của tôi mỗi thứ năm đã là một thói quen của khoa tiêu hóa.
Bệnh nhân cũng chờ tôi vào để chỉ cho họ. Có một lần vì bận việc tôi phải đi ngày thứ sáu, khi vào người nào cũng hỏi: “Tôi mong cô quá chừng, sao hôm qua cô không đến?”. Thật là hạnh phúc cho tôi, mình cũng là người bệnh mà đã giúp ích được cho bao nhiêu người. Nhìn ánh mắt rạng rỡ đầy hi vọng của bệnh nhân, tôi thấy rất vui.
Các bác sĩ còn nhờ tôi tư vấn, lên tinh thần cho những người sắp mổ, tư vấn động viên những người không chịu mổ. Tôi đã thành công rất nhiều.
Bây giờ không những khỏe mạnh sống với con mà tôi còn nghiệm thêm được một điều: khi nghĩ đến người khác, lòng mình sẽ rất thanh thản. Cũng nhờ đi giúp bệnh nhân mà giờ tôi đã quên mất căn bệnh của mình.
Đăng ký:
Đăng Nhận xét (Atom)
0 comments:
Đăng nhận xét