Được tạo bởi Blogger.
Thứ Hai, 18 tháng 6, 2012
Hành Trang Năm Ấy
Tôi sinh ra và lớn lên ở một làng quê miền Trung nghèo khó, nơi hứng chịu hầu hết những khắc nghiệt của khí hậu. Người dân quê tôi quanh năm lam lũ mà vẫn không đủ ăn.
Chỉ một cơn bão, lũ, áp thấp nhiệt đới hay thậm chí một cơn gió Lào quét qua cánh đồng lúa đang phơi màu thì coi như mùa màng mất trắng.
Nhà tôi đông anh em. Bố tôi đau ốm luôn, chỉ có mẹ tôi bươn chải sớm hôm. Những câu chuyện thấm nước mắt của mẹ đã dạy cho chị em tôi biết thương nhau hơn trong nghèo khó.
Những năm cuối thập niên 1980, tôi học cấp III. Cả xóm làng quê tôi ai cũng phải chạy ăn từng bữa. Gia đình tôi cứ sáng cơm, chiều cháo nhưng độn với đủ thứ (nói chung những thứ gì có thể ăn được, rễ khoai, sắn chưa kịp lớn thành củ hay các loại rau đều có thể độn chung vào cơm và cháo).
Thấy chị em tôi đi học, nhiều người nói với mẹ tôi: “Con gái cho học ít thôi, ở nhà đi cấy vài năm rồi lấy chồng là xong, học cũng được tích sự gì, mất công, tốn của”. Mẹ tôi đáp bằng nụ cười hiền, còn tôi thấy day dứt. Tôi sợ mình trở thành vô tích sự thật, bởi điều ước vào được đại học để sau này có một việc làm ổn định là giấc mơ xa xỉ đối với người dân quê tôi, và cả với tôi nữa khi mà hằng ngày cơm chưa đủ no, áo chưa đủ mặc.
Ngày nào cũng vậy, mẹ tôi đều quảy gánh ra khỏi nhà khi bình minh chưa ló dạng để mong có gánh rau má kịp về cho bữa sáng của chúng tôi. Nhìn mẹ cặm cụi, một lần tôi ôm mẹ khóc. Mẹ tôi nói nhỏ: “Nhà mình nghèo, các con phải ráng học, chỉ có học mới mong có cơ hội để thoát nghèo”. Câu nói của mẹ tôi ám ảnh tôi từ đó.
Tôi làm hồ sơ thi đại học, năm nghìn đồng lệ phí đã làm tôi đắn đo suy nghĩ. Cuối cùng tôi cũng phải hỏi xin mẹ dù tôi biết sẽ có cái gì đó trong nhà sắp đội nón ra đi. Trước ngày thi khoảng một tuần, tôi đau đầu, nhớ trước quên sau. Lại thêm một ước muốn xa xỉ nữa mà nói xong với mẹ, tôi luôn tự trách mình: “Con nghe người ta nói ăn trứng gà lòng đào học sẽ nhớ lâu”.
Mẹ tôi im lặng. Từ hôm ấy cho đến trước ngày thi, cứ mỗi buổi tối mẹ tôi lại bỏ một quả trứng gà vào ly nước sôi, đậy kín, đem đến cạnh tôi bảo húp nóng cho đỡ tanh. Tôi không dám hỏi mẹ trứng gà ở đâu mà có vì tôi sợ câu trả lời của mẹ làm tôi day dứt, ảnh hưởng đến kỳ thi quan trọng của mình.
Người ta đi thi mang đầy đủ những gì cần có bên mình. Hành trang cho chuyến đi thi của tôi chẳng có gì đáng giá ngoài bảy quả trứng gà “lòng đào” và câu nói của mẹ tôi. Một thứ hữu hình và một thứ vô hình đó đã ám ảnh tôi, thúc giục tôi, đã thật sự cho tôi quyết tâm và nghị lực.
Ngày nhận giấy báo đậu đại học, cả nhà tôi mừng và cả nhà tôi lo. Tôi an ủi mẹ rằng tôi có học bổng, mẹ không phải lo gì cả. Tôi nhập trường, nghe phổ biến qui chế học, thi và cấp học bổng cho năm sau dựa trên kết quả học tập của năm trước.
Tôi nản, nếu lỡ năm sau phải đóng học phí thì coi như hết. Tôi buồn, tôi lo thật sự nhưng rồi khoảnh khắc một thứ hữu hình và một thứ vô hình từ mẹ tôi lại khiến tôi tin rằng tôi sẽ làm được điều mà mình tưởng không làm được. Những suất học bổng không lớn nhưng với tôi nó là cả cuộc sống, là niềm tự hào, là phần thưởng để bớt đi gánh nặng lo toan cho mẹ và gia đình.
Tôi đã tốt nghiệp. Bây giờ thì tôi không phải lo đói nữa mà chỉ lo làm sao phụng dưỡng được bố mẹ lúc tuổi già và chăm lo cho con cái ăn học thành người có ích. Cuộc sống hôm nay của tôi được bắt đầu từ hành trang năm ấy...
nguyennhuchanh - /tuoitre.vn/Nhip-song-tre/Tinh-yeu-loi-song/130830/Hanh-trang-nam-ay.htm
Chỉ một cơn bão, lũ, áp thấp nhiệt đới hay thậm chí một cơn gió Lào quét qua cánh đồng lúa đang phơi màu thì coi như mùa màng mất trắng.
Nhà tôi đông anh em. Bố tôi đau ốm luôn, chỉ có mẹ tôi bươn chải sớm hôm. Những câu chuyện thấm nước mắt của mẹ đã dạy cho chị em tôi biết thương nhau hơn trong nghèo khó.
Những năm cuối thập niên 1980, tôi học cấp III. Cả xóm làng quê tôi ai cũng phải chạy ăn từng bữa. Gia đình tôi cứ sáng cơm, chiều cháo nhưng độn với đủ thứ (nói chung những thứ gì có thể ăn được, rễ khoai, sắn chưa kịp lớn thành củ hay các loại rau đều có thể độn chung vào cơm và cháo).
Thấy chị em tôi đi học, nhiều người nói với mẹ tôi: “Con gái cho học ít thôi, ở nhà đi cấy vài năm rồi lấy chồng là xong, học cũng được tích sự gì, mất công, tốn của”. Mẹ tôi đáp bằng nụ cười hiền, còn tôi thấy day dứt. Tôi sợ mình trở thành vô tích sự thật, bởi điều ước vào được đại học để sau này có một việc làm ổn định là giấc mơ xa xỉ đối với người dân quê tôi, và cả với tôi nữa khi mà hằng ngày cơm chưa đủ no, áo chưa đủ mặc.
Ngày nào cũng vậy, mẹ tôi đều quảy gánh ra khỏi nhà khi bình minh chưa ló dạng để mong có gánh rau má kịp về cho bữa sáng của chúng tôi. Nhìn mẹ cặm cụi, một lần tôi ôm mẹ khóc. Mẹ tôi nói nhỏ: “Nhà mình nghèo, các con phải ráng học, chỉ có học mới mong có cơ hội để thoát nghèo”. Câu nói của mẹ tôi ám ảnh tôi từ đó.
Tôi làm hồ sơ thi đại học, năm nghìn đồng lệ phí đã làm tôi đắn đo suy nghĩ. Cuối cùng tôi cũng phải hỏi xin mẹ dù tôi biết sẽ có cái gì đó trong nhà sắp đội nón ra đi. Trước ngày thi khoảng một tuần, tôi đau đầu, nhớ trước quên sau. Lại thêm một ước muốn xa xỉ nữa mà nói xong với mẹ, tôi luôn tự trách mình: “Con nghe người ta nói ăn trứng gà lòng đào học sẽ nhớ lâu”.
Mẹ tôi im lặng. Từ hôm ấy cho đến trước ngày thi, cứ mỗi buổi tối mẹ tôi lại bỏ một quả trứng gà vào ly nước sôi, đậy kín, đem đến cạnh tôi bảo húp nóng cho đỡ tanh. Tôi không dám hỏi mẹ trứng gà ở đâu mà có vì tôi sợ câu trả lời của mẹ làm tôi day dứt, ảnh hưởng đến kỳ thi quan trọng của mình.
Người ta đi thi mang đầy đủ những gì cần có bên mình. Hành trang cho chuyến đi thi của tôi chẳng có gì đáng giá ngoài bảy quả trứng gà “lòng đào” và câu nói của mẹ tôi. Một thứ hữu hình và một thứ vô hình đó đã ám ảnh tôi, thúc giục tôi, đã thật sự cho tôi quyết tâm và nghị lực.
Ngày nhận giấy báo đậu đại học, cả nhà tôi mừng và cả nhà tôi lo. Tôi an ủi mẹ rằng tôi có học bổng, mẹ không phải lo gì cả. Tôi nhập trường, nghe phổ biến qui chế học, thi và cấp học bổng cho năm sau dựa trên kết quả học tập của năm trước.
Tôi nản, nếu lỡ năm sau phải đóng học phí thì coi như hết. Tôi buồn, tôi lo thật sự nhưng rồi khoảnh khắc một thứ hữu hình và một thứ vô hình từ mẹ tôi lại khiến tôi tin rằng tôi sẽ làm được điều mà mình tưởng không làm được. Những suất học bổng không lớn nhưng với tôi nó là cả cuộc sống, là niềm tự hào, là phần thưởng để bớt đi gánh nặng lo toan cho mẹ và gia đình.
Tôi đã tốt nghiệp. Bây giờ thì tôi không phải lo đói nữa mà chỉ lo làm sao phụng dưỡng được bố mẹ lúc tuổi già và chăm lo cho con cái ăn học thành người có ích. Cuộc sống hôm nay của tôi được bắt đầu từ hành trang năm ấy...
nguyennhuchanh - /tuoitre.vn/Nhip-song-tre/Tinh-yeu-loi-song/130830/Hanh-trang-nam-ay.htm
Đăng ký:
Đăng Nhận xét (Atom)
0 comments:
Đăng nhận xét