Được tạo bởi Blogger.
Thứ Tư, 11 tháng 4, 2012

Chiếc Cần Câu Của Gia Đình Tôi



Tôi đậu đại học vào khoảng thời gian gia đình gặp nhiều khó khăn nhất. Tuy vậy việc học của tôi chẳng có gì là trở ngại vì ba mẹ tôi sẵn sàng hi sinh nhiều thứ để con cái được học đến nơi đến chốn.

Gia đình chúng tôi khi ấy sống trong mái nhà lá rách nát. Mỗi khi mưa xuống, nước dột đọng thành vũng trên nền đất ẩm ướt. Khách đến nhà thậm chí không có được chỗ đàng hoàng để ngồi. Những năm 1990, nghề mộc của ba tôi dần dần trở nên khó sống. Tôi không biết rõ vì lý do gì mà những chiếc bàn, chiếc tủ đẹp sắc sảo của ba tôi (cũng như nhiều tiệm đồ gỗ khác) không còn được ưa chuộng nữa.

Đó cũng là tình hình chung của nghề mộc lúc ấy. Một phần có thể vì những thứ ấy không thích hợp với cuộc sống khó khăn của người dân lúc bấy giờ, và những thứ hàng tương tự làm bằng nhựa hay kim loại đã thật sự thay thế đồ dùng bằng gỗ. Từ vai trò người chủ một xưởng mộc nho nhỏ, ba tôi thất nghiệp rất lâu và mãi sau ba tôi đi làm công nhân ở một xưởng cách nhà hơn 30km.

Mẹ tôi thì ngày càng gầy rộc, khô héo với gánh hàng rong từ 6 giờ sáng đến 7, 8 giờ tối mỗi ngày. Tôi được học đại học từ những đồng tiền còm cõi mặn đắng mồ hôi như thế. Chúng tôi không phải đang sống, mà là vật lộn với cuộc sống.

Nhưng cuộc vật lộn nào cũng khiến người ta mỏi mệt theo thời gian. Lần đó, sau bữa cơm, tôi rụt rè xin 800.000 đồng để đóng học phí. Mẹ tôi kín đáo thở dài. Ba tôi đưa mắt nhìn ra xa một chút rồi vui vẻ bảo: “Khi nào con đi sẽ có, không có gì phải lo”.

Tôi biết nhà mình không có tiền, nhưng vẫn an tâm vì xưa nay ba tôi đã hứa thì không bao giờ sai hẹn. Có thể là ba mượn ở cô Năm, tôi nghĩ vậy nên không suy nghĩ, dằn vặt nhiều nữa. Đúng 3 giờ chiều hôm sau, lúc tôi chuẩn bị trở lại trường thì ba đưa tiền cho tôi: “Ráng học nghe con!”.

Tôi đón lấy món tiền, tiện lời hỏi: “Ở đâu ra vậy ba?”. Ba tôi cười hiền: “Ba bán cây cần câu... Ba không cần nó nữa”. Tôi nhìn lên chỗ ba tôi hay cất cây cần câu, bây giờ chỉ còn lại cái giá đỡ trống không, lạnh tanh. Mặt tôi nóng dần lên. Có cái gì dâng lên chặn ngang cổ họng, tôi không thở được, ngồi phịch xuống giường, òa khóc.

Mẹ tôi đứng gần đấy, im lặng. Mẹ tôi không khóc theo cái cách của tôi. Mẹ chỉ nhìn tôi bằng cặp mắt hờn tủi vì cái nghèo, rồi cúi xuống, hai hàng nước mắt từ từ chảy dài. Rồi mẹ tôi ôm lấy tôi. Ba tôi đang vui vẻ bỗng trở nên mất bình tĩnh, ông vội vã bước ra khỏi nhà. Vừa lúc ấy, bà nội tôi ghé thăm, vô cùng hốt hoảng trước cảnh tượng trước mắt. Tôi mếu máo: “Nội ơi, ba con bán cây cần câu rồi, bán để con đóng học phí”. Mẹ tôi cũng bắt đầu mếu máo. Bà nội cau mày: “Kêu ba con về đây!”.

Tôi quên kể rằng ba tôi rất thích câu cá, và câu rất giỏi. Ngày xưa lúc kiểu cần câu máy còn rất đắt tiền, ba tôi đã có một cây thuộc loại tốt nhất. Đó là kỷ niệm một thời sung túc của gia đình tôi. Tôi còn nhớ rất rõ mỗi lần ba đi câu về, đổ ra không biết bao nhiêu là cá, ếch.

Chúng tôi khoái trá vỗ tay chỉ trỏ con này to, con kia béo mập. Sau bao thăng trầm, những món đồ trong nhà lần lượt ra đi, chỉ có cây cần câu là ở lại. Chúng tôi thừa hiểu ba tôi yêu quí nó như thế nào. Và trong gia đình, những gì ba tôi yêu quí tất nhiên cũng trở thành thiêng liêng với mọi người. Thế mà...

Cuối cùng bà nội tôi bỏ tiền chuộc lại cây cần câu ấy ngay trong buổi chiều để tôi không khóc nữa mà an tâm đi học. Nhưng tôi đã khóc suốt đoạn đường từ Long An trở lên Sài Gòn, khóc vì thương yêu gia đình, vì tủi phận bởi cái nghèo, khóc đơn giản chỉ vì lòng nức nở, không sao kềm lại được.

Ắt hẳn những người ngồi gần tôi trên chuyến xe chín năm trước đã rất lấy làm lạ không hiểu vì sao tôi có nhiều sức lực để khóc lâu thật lâu như vậy. Những giọt nước mắt đó là một phần hành trang vào đời của tôi.

Chiếc cần câu ấy, cho đến nay nó vẫn còn có mặt ở nhà tôi, cùng chứng kiến biết bao buồn vui của gia đình. Tôi không gọi đó là cây cần câu của ba tôi nữa, mà là cây cần câu của gia đình tôi. Tôi yêu quí nó như một thành viên trong gia đình, nó đã giúp tôi cảm nhận một cách rõ rệt nhất tình yêu thương sâu sắc mà ba tôi dành cho con, cảm nhận được sự gắn bó thiêng liêng của những người thân trong cuộc đời mình.

Sâm Cẩm Tuyến - tuoitre.vn/Chinh-tri-Xa-hoi/Phong-su-Ky-su/127876/Cuoc-thi-Chuyen-doi-tu-ke-Chiec-can-cau-cua-gia-dinh-toi

1 comments:

TB² nói...

Trong dân gian có câu "Một đời ta, ba đời nó" ý nói đồ vật thì không lâu dài. Nhưng chiếc cần câu của gia đình bạn thì khác hẳn. Quả thật nó có thể còn "thọ" hơn mấy đời ta! Thật là quý hoá!